Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi):

Mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 26/10, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đề xuất, nên mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Mở rộng đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội

Góp ý về quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn tỉnh Hải Dương) đề nghị nên mở rộng đối tượng được phép thuê nhà ở xã hội do Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư. Bởi khi dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, bước vào giai đoạn vận hành cho thuê mà chỉ cho phép công nhân, người lao động thuê sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng công nhân, người lao động chưa có nhu cầu thuê hết, nhà cho thuê vẫn thừa mà nhiều đối tượng khác thuộc Điều 76 có nhu cầu nhưng không thể thuê do không thuộc đối tượng “công nhân, người lao động”.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn tỉnh Hải Dương) đề nghị nên mở rộng đối tượng được phép thuê nhà ở xã hội. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn tỉnh Hải Dương) đề nghị nên mở rộng đối tượng được phép thuê nhà ở xã hội. Ảnh: Quochoi.vn

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, chỉ nên quy định “các dự án nhà ở xã hội do Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư thì ưu tiên cho đối tượng là công nhân, người lao động thuê”. Bên cạnh đó, quy định điều kiện các dự án nhà ở xã hội do Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư phải xuất phát từ nhu cầu thực tế và dự báo nhu cầu thực tế của công nhân, người lao động tại địa bàn đầu tư dự án.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn tỉnh Bắc Ninh) đề xuất, về đối tượng, điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, có nhiều người thu nhập thấp trong thực tế nhưng không thuộc diện được hỗ trợ. Vì vậy, cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là người có thu nhập thấp, bất kể họ là ai, không cần liệt kê 12 loại đối tượng như trong dự thảo luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn tỉnh Bắc Ninh) đề xuất, cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn tỉnh Bắc Ninh) đề xuất, cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Ảnh: Quochoi.vn

Cụ thể hoá tiêu chí người thu nhập thấp được hưởng chính sách nhà ở xã hội

Quan tâm tới đối tượng hưởng chính sách về nhà ở xã hội, đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn tỉnh Cao Bằng) cho biết, dự thảo Luật quy định có 12 loại đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp là mục tiêu, định hướng chính sách cũng là tiêu chí quan trọng nhất trong việc xác định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở của Đảng và Nhà nước.

Ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 338 phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp. Mục tiêu của đề án là đến năm 2030 xây dựng được 1.000.000 căn nhà ở xã hội, trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn.

Đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn tỉnh Cao Bằng) đề nghị cụ thể hoá tiêu chí người thu nhập thấp được hưởng chính sách nhà ở xã hội. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn tỉnh Cao Bằng) đề nghị cụ thể hoá tiêu chí người thu nhập thấp được hưởng chính sách nhà ở xã hội. Ảnh: Quochoi.vn

Căn cứ vào những định hướng chính sách của đề án nói trên, đại biểu Bế Minh Đức cho rằng, quy định như Điều 76 dự thảo Luật chưa hoàn toàn phù hợp, chưa xác định rõ và đầy đủ đối tượng được hưởng chính sách, trong đó chính sách hỗ trợ quan trọng nhất là nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.

“Tuy nhiên, hiện nay việc xác định thế nào là người có thu nhập thấp chưa được quy định cụ thể. Do đó, cần cụ thể hóa tiêu chí với từng đối tượng cụ thể để đảm bảo chính xác, bao quát và công bằng và có quy định các hình thức hỗ trợ phù hợp” - đại biểu Bế Minh Đức nêu quan điểm.

Theo đại biểu Bế Minh Đức, về hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo khoản 2, khoản 3 Điều 17 là được tặng, cho, hỗ trợ theo chương trình mục tiêu quốc gia hoặc chương trình đầu tư công và nhà ở. Tuy nhiên, trên thực tế, nhóm đối tượng này có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn nhưng không được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Quochoi.vn

Để góp phần giải quyết nhu cầu hỗ trợ ở khu vực nông thôn còn rất lớn hiện nay, vừa qua các địa phương đã triển khai hai chương trình mục tiêu quốc gia có nội dung hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, khó khăn. Tuy nhiên, phạm vi triển khai thực hiện hai chương trình này không bao phủ khắp cả nước mà chỉ thực hiện hỗ trợ đối với hộ nghèo tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện nghèo được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bên cạnh đó, do nguồn kinh phí được phê duyệt còn hạn chế, số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ về nhà ở lớn nên độ bao phủ của chương trình mục tiêu này đối với các đối tượng thụ hưởng của chương trình vẫn chưa được hết. Do đó, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị bổ sung nhóm đối tượng tại khoản 2, khoản 3 của Điều 76 được được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội để đảm bảo tính khả thi của quy định.

Cùng thảo luận về nội dung này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đồng tình tổ chức công đoàn là chủ đầu tư nhà ở cho người lao động nhưng đề nghị đây chỉ là những dự án mẫu để làm điển hình và để công đoàn làm cơ sở có tiếng nói với các các cơ quan khác.