Các nền kinh tế lớn khác được cho đã ký kết thỏa thuận hợp tác do Mỹ dẫn đầu, bao gồm Canada - nước sản xuất uranium lớn thứ hai thế giới; Pháp - quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lượng hạt nhân; Vương quốc Anh và Nhật Bản - quốc gia từng hứng chịu thảm họa hạt nhân kinh hoàng vào năm 2011 do động đất và sóng thần gây ra.
Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry cho biết trong một tuyên bố tại Hội nghị khí hậu COP28 ở Dubai (UAE): "Năng lượng hạt nhân tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất về an toàn, bền vững, an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân có vai trò quan trọng trong việc duy trì mức nhiệt độ 1,5 độ C trong tầm tay".
Động thái này là bước đi cụ thể nhất được các quốc gia lớn thực hiện để đặt năng lượng hạt nhân vào trung tâm của nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng sạch. Hạt nhân là một trong số ít nguồn năng lượng sạch có thể cung cấp điện không bị gián đoạn khi không có gió và mặt trời do điều kiện thời tiết.
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi cho biết trong một tuyên bố tại Dubai: "Các nghiên cứu xác nhận rằng mục tiêu về lượng khí thải carbon ròng bằng 0 trên toàn cầu chỉ có thể đạt được vào năm 2050 với sự đầu tư nhanh chóng, bền vững và đáng kể vào năng lượng hạt nhân".
Tháng trước, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih thì nói rằng, năng lượng hạt nhân đang "trở lại đầy mạnh mẽ", nhưng vẫn cần có sự hỗ trợ của các chính phủ.
Một báo cáo của IEA công bố vào tháng 10/2023 cho biết công suất điện hạt nhân cần tăng hơn gấp đôi, từ 417GW vào năm 2022 lên hơn 900GW vào năm 2050 để đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm đó. Công suất hạt nhân đã tăng 40% trên toàn thế giới vào năm 2022, với sự dẫn đầu của Trung Quốc, Phần Lan, Hàn Quốc và Pakistan.
Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, hơn 40% trong số 61 nhà máy hạt nhân hiện đang được xây dựng là ở Trung Quốc. Ấn Độ và Nga cũng đang đầu tư mạnh vào năng lượng hạt nhân.