Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

MTTQ Việt Nam các cấp đã tiến hành 60.463 cuộc giám sát trong 5 năm

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sáng 16/8, tại Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch của UBTV Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch UB T.Ư MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trương Ngọc Ánh cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên ngày càng đi vào chiều sâu, cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, phát huy hiệu quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao. Vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp ngày càng được khẳng định, phát huy trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì nội dung họp. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì nội dung họp. Ảnh: Quochoi.vn

Ở cấp T.Ư, từ năm 2018 đến năm 2022, Ban Thường trực Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã tiến hành giám sát 5 nội dung thông qua hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam. Các kiến nghị sau giám sát của Ban Thường trực ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đều được Chính phủ trả lời hoặc chỉ đạo các bộ, ngành, liên quan khẩn trương nghiên cứu và có văn bản trả lời Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.

Ở các tỉnh, thành phố, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tiến hành giám sát 60.463 cuộc; trong đó MTTQ Việt Nam cấp tỉnh giám sát 2.689 cuộc; MTTQ Việt Nam cấp huyện giám sát 11.638 cuộc và MTTQ Việt Nam cấp xã giám sát 46.136 cuộc.

Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trương Ngọc Ánh báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trương Ngọc Ánh báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, hoạt động của MTTQ đã thể hiện nét nổi bật trong giám sát, phản biện xã hội. Tuy nhiên, cần đánh giá sâu sắc hơn về kết quả nổi bật, vướng mắc; cần chỉ rõ trong 5 năm qua, quá trình tiến hành hoạt động giám sát, phản biện xã hội có chồng chéo gì về phạm vi đối tượng, địa bàn, nội dung với giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, báo cáo phải làm nổi bật giám sát và phản biện xã hội là hoạt động cơ bản của MTTQ Việt Nam; là nhiệm vụ quan trọng của MTTQ và các tổ chức thành viên trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị. Giám sát và phản biện xã hội là hoạt động mang tính nhân dân, dân chủ, xây dựng và khoa học.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Bên cạnh đó, báo cáo cần quán triệt thể chế, chủ trương của Đảng về giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, để từ đó đánh giá nhận thức, thái độ của các cơ quan có liên quan. Nhiều nơi rất coi trọng nhưng có nơi, cấp ủy, chính quyền địa phương không coi trọng. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hậu giám sát, MTTQ phải có quyền đưa ra kiến nghị, đề xuất, Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp phải thông tin, báo cáo lại thì giám sát mới có hiệu lực.

Về chế độ thông tin, báo cáo, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, theo Quyết định của Bộ Chính trị, trong 6 tháng hoặc 1 năm, MTTQ Việt Nam phải báo cáo T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội. Nhưng ở chiều ngược lại, trách nhiệm các cơ quan phải trả lời vấn đề, kiến nghị đã thực hiện như thế nào? Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chế độ thông tin báo cáo cần phải thực hiện đầy đủ ở hai chiều.