Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) ngày 12/2 cho biết, mực nước ở sông Mê Kông đã giảm xuống mức “đáng lo ngại” do dòng chảy bị hạn chế từ các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn.
Giám đốc bộ phận Hỗ trợ kỹ thuật của Ban Thư ký MRC Winai Wongpimool cho biết, đã ghi nhận những đợt dâng và giảm đột ngột mực nước ở hạ lưu đập Cảnh Hồng và kể cả ở khu vực Vientiane của Lào.
Sự thay đổi dòng chảy đột ngột như vậy ảnh hưởng đến hoạt động di cư của cá, ngành nông nghiệp và hoạt động trên tuyến đường thủy quan trọng này, nơi có gần 70 triệu người dựa vào để kiếm sống và đảm bảo an ninh lương thực tại khu vực
Ông Winai Wongpimool kêu gọi Trung Quốc cũng như các nước ở khu vực hạ nguồn sông Mê Kông chia sẻ kế hoạch xả nước để giúp xử lý rủi ro hiệu quả hơn. MRC cho biết các điều kiện bình thường có thể được phục hồi nếu hồ chứa của các đập Trung Quốc xả lượng nước lớn.
Dự án Giám sát Đập sông Mê Kông do Mỹ tài trợ, sử dụng dữ liệu vệ tinh để theo dõi mực nước, cũng cho biết có biến động hàng ngày về lượng nước được xả ra từ đập Cảnh Hồng của Trung Quốc trong tháng 2.
Vào giữa tháng 1, lượng nước xả của con đập Trung Quốc duy trì ở mức 1.400 m3/giây, trước khi giảm lại vào tháng 2 và vào ngày 11/2 chỉ còn 800 m3/giây. MRC cho hay có thể hy vọng khôi phục tình trạng con sông như bình thường nếu Trung Quốc xả hồ chứa nước của các con đập ở thượng nguồn.
Các cơ quan thủy lợi Miền Nam dự báo, dòng chảy trong tháng 2/2021 từ thượng lưu sông Mê Kông về có khả năng ở mức rất thấp. Kéo theo xâm nhập mặn tháng 2 trên ĐBSCL có khả năng rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt.
Tuy vậy, từ nay đến ngày 8/2/2021 và 16 - 22/2/2021 (thời kỳ triều kém) độ mặn khu vực cửa sông Cửu Long giảm, nước ngọt có khả năng xuất hiện tại khu vực cách biến từ 35 - 45km vào lúc triều thấp, chân triều. Đề nghị các địa phương khẩn trương gia tăng việc lấy ngọt trong các thời gian trên, và ứng phó khi mặn tăng cao như dự báo (có khả năng duy trì đến tháng 3/2021). Trước khi mở cống hoặc bơm lấy nước ngọt cần kiểm tra độ mặn.