Ngành xây dựng Đức sụp đổ vì lệnh trừng phạt chống Nga?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều công ty xây dựng tại Đức đối mặt nguy cơ phá sản trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất EU rơi vào suy thoái.

Theo Sputnik, chi phí xây dựng tại Đức đã tăng vọt giữa thời điểm lạm phát chạm mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và lãi suất tăng cao kỷ lục.

Số lượng giao dịch bất động sản tại Đức  đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2014. Ảnh:: AdobeStock
Số lượng giao dịch bất động sản tại Đức  đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2014. Ảnh:: AdobeStock

Trong khi đó, việc giá nhà ở lao dốc mạnh trong những tháng gần đây cũng gia tăng thêm sức ép đối với ngành xây dựng của Đức. Số lượng giao dịch bất động sản tại nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) hiện ở mức thấp nhất kể từ năm 2014.

Do kinh doanh khó khăn, “ông lớn” bất động sản Đức Gerch - tập đoàn đang triển khai nhiều dự án lớn với tổng vốn đầu tư lên tới 4 tỷ euro (4,2 tỷ USD), cùng với công ty Project Immobileien Group đã nộp đơn xin phá sản vào tháng 8/2023.

Một doanh nghiệp xây dựng khác là Euroboden có trụ sở tại TP Munich hiện cũng đang trong quá trình xử lý trước khi nộp đơn xin phá sản.

“Đây mới chỉ là sự khởi đầu. Chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều công ty xây dựng khác bị mất khả năng thanh toán trong những tháng tới” - Sputnik dẫn cảnh báo của Giám đốc điều hành Gerch, Mathias Duesterdick khi nộp đơn phá sản lên chính phủ.

Việc tập đoàn Gerch sụp đổi khiến dự án cải tạo lại khu nhà Quelle vốn được xây dựng những năm 1950 ở TP Nuremburg bị dang dở. Giới chức Nuremburg đang nỗ lực tìm giải pháp để sớm hoàn thiện  tòa nhà hỗn hợp khổng lồ gồm các cửa hàng, khu văn phòng và căn hộ.

Marlies Raschke - chuyên gia về tái cơ cấu và phá sản của Công ty luật Noerr, dự đoán cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực xây dựng của Đức sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Vị chuyên gia nhấn mạnh: “Các nhà phát triển dự án bất động sản đang phải vật lộn với chi phí xây dựng nhảy vọt, lãi suất tăng cao trong khi giá nhà ở lại giảm. Đã có một số doanh nghiệp xây dựng  nộp đơn xin phá sản trong những tuần gần đây và chúng tôi dự đoán danh sách này sẽ còn tăng trong thời gian tới”.

Ông Raschke lưu ý thêm rằng các quỹ hưu trí đầu tư mạnh vào thị trường bất động sản cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Các công ty xây dựng quy mô nhỏ cũng không tránh khỏi tình trạng kinh doanh thua lỗ. Một cuộc khảo sát do Viện nghiên cứu kinh tế Ifo của Đức thực hiện cho thấy hơn khoảng 20% công ty nói rằng  họ đã buộc phải hủy các dự án do tình hình kinh tế khó khăn - mức cao nhất kể từ năm 1991.

Ngành xây dựng của Đức trong năm nay đã bị ảnh hưởng nặng nề từ chiến dịch thắt chặt tiền tệ mạnh chưa từng có do Ngân hàng Trung ương châu Âu phát động, nhằm đối phó với tình trạng lạm phát cao kỷ lục.

Vào đầu tháng 9, công ty đa quốc gia bất động sản Vonovia có trụ sở tại Đức cảnh báo rằng ngành xây dựng - lĩnh vực được xem là xương sống của nền kinh tế Đức, đang trên bờ vực sụp đổ.

Trước đó, hồi tháng 4, Văn phòng Thống kê Liên bang Đức đã có dự báo ảm đạm đối với lĩnh vực xây dựng. Theo cơ quan, số lượng giấy phép xây dựng liên tục giảm kể từ tháng 5/2022 và ghi nhận mức giảm 10% mỗi tháng kể từ tháng 10/2022.

Đức chính thức rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật trong năm nay khi tổng sản phẩm trong nước ghi nhận hai quý giảm liên tiếp. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu giảm 0,3% trong quý 1 năm nay, sau khi giảm 0,5% trong quý 4 năm ngoái.

So với các nước thành viên EU khác, Đức chịu thiệt hại kinh tế nhiều hơn do lệnh cấm vận đối với nhiên liệu của Nga liên quan đến chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine.

Đà suy thoái của kinh tế Đức diễn ra ngày càng trầm trọng hơn khi nước này bị cắt mất nguồn cung khí đốt tự nhiên giá rẻ của Nga sau vụ nổ đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 vào tháng 9/2022.

Sự mất mát này là cú sốc chưa từng có đối với các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng của Đức, giáng một đòn chí mạng vào cường quốc sản xuất của châu Âu. Một số nhà sản xuất sử dụng nhiều năng lượng nhất đã buộc phải đóng cửa các nhà máy của họ.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD) mới đây dự báo Đức sẽ trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới tăng trưởng âm trong năm nay.