Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Nghệ sĩ và chuẩn mực ứng xử văn hóa] Bài cuối: Chấn chỉnh để đi vào nền nếp

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã đến lúc ứng xử trên mạng xã hội cần đi vào nền nếp, cần có những quy định cụ thể để gạn đục khơi trong không gian ảo mà thực. Chính vì vậy, việc Bộ TT&TT cho ra đời Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vào thời điểm này được các chuyên gia đánh giá là liều thuốc trị bệnh “lệch chuẩn” trong ứng xử trên mạng xã hội.

Thời gian dài thả lỏng quản lý

Thời gian gần đây, khán giả bắt đầu đặt câu hỏi với giới nghệ sĩ: Đâu rồi những chuẩn mực trong hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ? Đâu rồi những chương trình đàng hoàng trên sóng truyền hình, không có phát ngôn gây ồn ào, không có nghệ sĩ bất chấp tham gia vì nó là chương trình dành cho tài năng về lĩnh vực ngoài nghệ thuật? Cuộc sống khó khăn do dịch, sân khấu và sàn diễn tắt đèn, rạp phim cứ mở rồi đóng dõi theo từng động tĩnh của Covid-19… càng khiến những vấn đề phức tạp từ ứng xử trên mạng xã hội nảy sinh.

Ai cũng hiểu, hàng hóa không rõ nguồn gốc có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, gây hại cho người sử dụng; tiền ảo chứa nhiều nguy cơ nhưng rồi chính những sản phẩm đó lại được đặt lên miệng người nổi tiếng, nghệ sĩ ra sức quảng bá, quảng cáo.
Thậm chí, có nhiều nghệ sĩ còn bán hàng thực phẩm online hoặc sản phẩm làm đẹp, chữa… bệnh khó nói, cải thiện phòng the cho phái mạnh. Điều đáng nói, những sản phẩm mà họ rao bán, quảng cáo đó chưa chắc họ dám sử dụng. Nhưng để bán được hàng, chốt được đơn, họ phải ra rả là “ngon lắm quý vị ơi”, “tôi đã từng sử dụng và kết quả tốt". Công chúng một phần vì yêu mến, một phần tin tưởng đã mua ủng hộ, với chất lượng chưa biết thế nào. Người nghệ sĩ khi đã sa đà vào bán hàng online với nguồn thu khủng thì dần dà họ sẽ rời xa nghệ thuật, nhất là nghệ thuật chân chính vốn khó kiếm tiền.
 Ca sĩ Tùng Dương, Tuấn Hưng thực hiện buổi biểu diễn trực tuyến tại nhà, kêu gọi mọi người ủng hộ, chung tay, đoàn kết cùng các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19. Ảnh: Anh Thiếu
Một giải pháp căn cơ hơn cho câu chuyện nghệ sĩ, người nổi tiếng phát ngôn hoặc hành xử phản cảm trên mạng chính là việc xử lý nghiêm của luật pháp, các nội quy, quy định trong quản lý nhân sự, điều chỉnh ứng xử, phát ngôn trên mạng.

Chấn chỉnh việc phát ngôn bất hảo trên mạng chính là tự bảo vệ mình cũng như thế hệ trẻ. Bên cạnh đó cũng góp phần thanh lọc không gian mạng cùng sự ảo tưởng “quyền lực” của những người nổi tiếng, rằng mình nói gì công chúng cũng nghe.

Độ chênh giữa quản lý và thực tiễn

Một thời gian dài, dù có những quy định, luật định về dùng mạng xã hội. Nhưng phải thừa nhận vấn đề quản lý vẫn bị thả nổi. Chính vì vậy mới xảy ra tình trạng “lệch chuẩn” trong ứng xử trên mạng xã hội.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, xu hướng tương tác trên mạng xã hội ngày càng phổ biến và đó cũng là xu hướng tất yếu khi công nghệ số phát triển. Tuy nhiên, cũng chính sự phát triển quá nhanh, mạnh của môi trường số dẫn tới có độ chênh giữa quản lý và thực tiễn.

PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ: Chúng ta đã có Luật An ninh mạng, song đây là một khung pháp lý lớn rất cần lấp đầy bởi những quy định, quy tắc, nguyên tắc để điều chỉnh hành vi, ứng xử trên môi trường mạng. Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa bị ám ảnh bởi diện mạo bên ngoài, bởi lượng người xem, người thích. Đây cũng là hệ quả của việc quá tập trung vào dạy kỹ năng mà quên đi việc dạy cách tạo dựng về giá trị. Nhiều bạn trẻ trên Tik Tok, Facebook, YouTube… có kỹ năng quan hệ với công chúng, có khả năng tạo ra xu hướng (trend) nhưng lại không có đủ tri thức để phân biệt, nhận định về những sản phẩm họ đưa lên mạng xã hội có nguy cơ cho cộng đồng hay không. Có những người dày công nghiên cứu các thuật toán AI để “lách” kiểm duyệt, nhưng lại không biết loại bỏ yếu tố được cho là “rác mạng”, “rác văn hóa” nên tạo ra những sản phẩm gây hại cho cộng đồng.

Để hạn chế hiện tượng “rác văn hóa”, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền để mỗi người khi tham gia vào môi trường số không có nghĩa là “ảo”, là không phải chịu trách nhiệm với mỗi hành vi của mình; cần phải coi những công việc liên quan đến mạng xã hội như truyền thông, YouTube, Tik Tok… là một nghề để đào tạo và đưa đến cho họ năng lực cơ bản khi làm nghề. “Hướng dẫn họ biết về trách nhiệm số, đạo đức, nguyên tắc để bảo vệ bản thân và cộng đồng khi tham gia môi trường số… Cần phải chuyên nghiệp hơn thay vì tự phát như thời gian qua” - PGS.TS Trần Thành Nam nói.

“Chiếc gậy thần” chấn chỉnh

Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vừa được Bộ TT&TT ban hành mới đây (giữa tháng 6/2021) là một công cụ quan trọng để lành mạnh hóa mạng xã hội tại Việt Nam. Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được Bộ TT&TT ban hành rất kịp thời. Đây là lần đầu tiên một Bộ Quy tắc như vậy được ban hành. Nó hết sức ngắn gọn và mạch lạc.

Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vừa được Bộ TT&TT ban hành, chỉ ra các quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước; các cơ quan Nhà nước và các nhà cung cấp mạng xã hội.

Bộ Quy tắc nêu rõ các tổ chức, cá nhân cần tìm hiểu, tuân thủ các điều khoản hướng dẫn, sử dụng các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia. Tổ chức, cá nhân chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt; vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ TT&TT ban hành rõ ràng không phải là một văn bản quy phạm pháp luật. Sẽ không có các chế tài của Nhà nước cho việc vi phạm các quy tắc này. Tuy nhiên, đây là các chuẩn mực hành vi không thể thiếu để người Việt Nam chúng ta có được một “cuộc sống mạng” lành mạnh, văn minh và an toàn. Điều này cũng góp phần cải thiện thứ hạng văn minh internet của người Việt Nam trên thế giới. Nhà nước không áp dụng chế tài đối với việc vi phạm các quy tắc ứng xử trên mạng, nhưng xã hội hoàn toàn có thể áp dụng các chế tài của mình. Phê bình, tẩy chay là một số trong những chế tài như vậy.

Xét cho đến cùng, nghệ sĩ hay người nổi tiếng cũng là con người, vẫn có những "vấp ngã" trong đời sống, phát ngôn. Việc của công chúng là đánh giá, sàng lọc, "gạn đục khơi trong" để có một đời sống văn hóa lành mạnh. Bộ Quy tắc này hướng đến tất cả các đối tượng dùng mạng xã hội trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó nghệ sĩ cũng là một đối tượng quan trọng cũng sẽ chịu tác động uốn nắn, chấn chỉnh từ Bộ Quy tắc này. Sự ra đời của Bộ Quy tắc sẽ là nền tảng quan trọng để trị “rác văn hóa” trên mạng xã hội từ những người nổi tiếng.q

Phó viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) - TS Đỗ Quý Vũ: Chung tay đẩy lùi các hành vi ứng xử không phù hợp trên môi trường mạng

Mạng xã hội là nơi tràn ngập thông tin đa dạng, phong phú, tích cực có, tiêu cực có, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, tinh thần của người khác cũng có... Những sự việc sai lệch, thiếu chuẩn mực đạo đức, thậm chí là vi phạm pháp luật trên mạng xã hội được cho là đang ở tình trạng đáng báo động.

Để giải quyết các vấn đề trên, Việt Nam đang từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý như Quốc hội ban hành Luật An ninh mạng năm 2018, với những quy định khá đầy đủ về phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng, hoạt động bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, trước khi chúng ta dùng luật để giải quyết vấn đề, cần phải có giải pháp giáo dục ý thức để người dùng mạng xã hội từng bước hình thành thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử trên mạng xã hội.

Việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử nhằm hướng đến điều này, góp phần hỗ trợ thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật hướng tới một môi trường mạng an toàn, lành mạnh. Ngoài ra, để tạo ra một môi trường mạng an toàn, lành mạnh, không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà là của cả cộng đồng, trong đó có vai trò, trách nhiệm của các DN cung cấp dịch vụ mạng xã hội và ý thức của người dùng mạng xã hội là hết sức quan trọng, trong việc cùng chung tay đẩy lùi các hành vi ứng xử không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.

Chuyên gia truyền thông, đồng sáng lập Elite PR School Nguyễn Đình Thành: Quy định về phát ngôn trên mạng xã hội là cần thiết

Thời đại số đã trao cho mỗi người tham gia vào mạng xã hội quyền được phát thông tin bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào. Các thông tin này đến từ mọi tầng lớp xã hội nên hình thức và nội dung rất đa dạng, điều này thu hút sự chú ý của công chúng. Yếu tố này là yếu tố hút. Quảng bá thông tin có thể mang lại nhiều lợi ích như kinh tế, sự ảnh hưởng, sự tưởng thưởng với cá nhân người phát thông tin, có thể nói đây là yếu tố đẩy, làm cho người phát thông tin chủ động tìm cách đáp ứng nhu cầu của người nhận thông tin. Cả hai yếu tố này kết hợp tạo ra những sự tương tác với số lượng khổng lồ trên không gian mạng xã hội. Tốt có, xấu có.

Việc giao tế trong xã hội đã chuyển từ không gian vật lý lên không gian mạng. Hai thế giới này có liên hệ với nhau như hai mặt không tách rời của một đồng xu, chính vì thế các nguyên tắc hành xử văn minh nơi công cộng, trong giao tiếp ngoài đời thực cũng phải được áp dụng trên không gian mạng. Nhiều tổ chức đã có quy định về phát ngôn trên không gian mạng, nhiều công ty, tổ chức cũng phải tự soạn thảo quy tắc hành xử, ứng xử trên không gian mạng. Chính vì vậy Bộ TT&TT vừa ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội để đảm bảo hành xử văn minh, phòng chống gian lận và tội phạm trên mạng”.

Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam - PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Thêm những bài học làm gương từ những người nổi tiếng

Bất thường, lệch chuẩn, thậm chí là phản khoa học và vô lý hết sức trên không gian mạng lại thu thút được đông đảo lượng người theo dõi. Điều này có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng tiếp cận từ góc độ văn hóa, chúng ta có thể thấy sự thiếu định hướng trong lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên trong xã hội. Các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là mạng xã hội đã biến đổi thế giới của chúng ta theo một cách khá kỳ lạ, ở đó có sự tự do một cách tương đối của cá nhân, nhất là trong cách thể hiện lối sống, suy nghĩ, phát ngôn, và cả trong cách kiếm tiền. Trong khi một số những giá trị mới, mẫu hình lý tưởng mới trong xã hội đang cần thời gian để định hình, đã có quá nhiều lối sống, hình ảnh hào nhoáng, lạ, hấp dẫn giới trẻ. Sự thiếu định hướng lối sống đã khiến giới trẻ lạc lối trong việc tìm kiếm mục tiêu đúng đắn của cuộc đời mình, sa vào những thứ tạm thời, ảnh hưởng tiêu cực đến sự hình thành nhân cách của chính họ. Đây chính là một lý do quan trọng dẫn đến những hiện tượng tiêu cực như chúng ta đang thấy.

Để giải quyết vấn đề này, tất nhiên là cần giải pháp đồng bộ, nhưng chúng ta có thể xuất phát từ chính văn hóa. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, ngay cả trên mạng xã hội, sẽ giúp hạn chế những bất thường, lệch chuẩn trên môi trường mạng. Như vậy, bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, hình thành dư luận xã hội ủng hộ cái tốt, lên án cái xấu, có thêm những bài học làm gương từ những người nổi tiếng, văn nghệ sĩ sẽ giúp định hướng cách sử dụng mạng xã hội cũng như lối sống cho giới trẻ”. (Lan Ngọc ghi)