Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghỉ hưu, tuổi nào phù hợp?

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức hội thảo “Một số vấn đề về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động trong Bộ luật Lao động (sửa đổi)”. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai cho biết, Bộ Luật Lao động năm 2012 (có hiệu lực năm 2013) đã tạo được hành lang pháp lý cho các chủ thể tham gia thị trường lao động. Tuy nhiên, đến nay, nhiều quy định trong Bộ Luật không còn phù hợp với thực tiễn và việc sửa đổi lần này nhằm bổ sung kịp thời những chính sách lớn mà Đảng và Nhà nước mới ban hành.
Việc sửa đổi, bổ sung cũng thực hiện mục tiêu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, tạo nên sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật nói chung; đáp ứng yêu cầu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam trong các hiệp định đã ký, phê chuẩn.
Nghỉ hưu, tuổi nào phù hợp? - Ảnh 1
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc chủ trì hội thảo  
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh lý do cần thiết phải sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012, trong đó, điều quan trọng nhất là đáp ứng yêu hội nhập quốc tế, vì Việt Nam đã tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)…
Góp ý vào quy định đang có nhiều ý kiến khác nhau là tuổi nghỉ hưu của người lao động, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu cho rằng, tuổi chuẩn nghỉ hưu ở nước ta vẫn tương đối thấp so với tiêu chuẩn lao động quốc tế và mặt bằng chung của thế giới. Ở góc độ bình đẳng giới, quy định về tuổi nghỉ hưu hiện nay chưa đảm bảo yêu cầu về bình đẳng giới, làm giảm cơ hội việc làm, thu nhập và thăng tiến của nữ.
Đồng tình với những vấn đề liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu của người lao động trong Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), tuy nhiên PGS.TS Nguyễn Văn Định – nguyên Trưởng Khoa Bảo hiểm (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho hay, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường lao động, kéo dài thời gian làm việc của từng cá nhân người lao động và hệ quả là rủi ro thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng.
“Do đó, cần sớm hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội khác có liên quan, nhất là các chính sách bảo hiểm xã hội và bảo trợ xã hội. Cùng với đó, việc cải cách chính sách tiền lương phải được gắn chặt với việc cải cách chính sách bảo hiểm xã hội” - PGS.TS Nguyễn Văn Định đề xuất.
Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Tiến Vượng, DN có hơn 3.000 lao động, đặc thù là hoạt động theo ca kíp, phần nhiều bộ phận xuất nhập khẩu đều làm việc về đêm. Qua tham khảo ý kiến của người lao động, những người trực tiếp làm việc chân tay thì mong muốn tuổi nghỉ hưu giữ nguyên theo Bộ Luật hiện hành. Chỉ một bộ phận nhỏ người lao động làm việc gián tiếp là đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu như Dự thảo Bộ Luật đề xuất. Như vậy, ban soạn thảo nên phân chia đối tượng để tính tuổi nghỉ hưu cho phù hợp.
Nghỉ hưu, tuổi nào phù hợp? - Ảnh 2
Luật sư Nguyễn Văn Hà – Trưởng Văn phòng Luật sư Hà Lan đề nghị cân nhắc việc tăng tuổi nghỉ hưu 
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Hà – Trưởng Văn phòng Luật sư Hà Lan (Hà Nội) đề nghị cân nhắc việc tăng tuổi nghỉ hưu. Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần được nghiên cứu, cân nhắc kỹ với tầm nhìn dài hạn, không nên vội vàng. Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ khiến sinh viên trẻ thất nghiệp ngày càng nhiều.
Các ý kiến cũng đề nghị nghiên cứu và cụ thể hóa từng đối tượng cần tăng tuổi nghỉ hưu và những đối tượng có thể giữ nguyên như hiện nay hoặc được về hưu sớm trước tuổi quy định. Đặc biệt, tăng tuổi nghỉ hưu phải có lộ trình và phù hợp với đặc thù công việc…
Kết luận hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP tiếp thu các ý kiến. Đồng thời nhấn mạnh, thực hiện trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức hội thảo để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia. Các ý kiến nêu ra tại hội thảo đều rất tâm huyết, trách nhiệm, cung cấp toàn cảnh cả về cơ sở lý luận và thực tiễn trong quá trình xây dựng Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP đề nghị sau hội thảo, các chuyên gia, đại biểu tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các ý kiến đóng góp. Các đại biểu Quốc hội TP nghiên cứu, tiếp thu trên tinh thần quán triệt các mục đích, yêu cầu chung của việc sửa đổi luật, đồng thời lắng nghe thêm ý kiến phản ánh của cử tri về vấn đề này.