Doanh nghiệp tư nhân lớn chỉ chiếm 2%
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 45/2023/NQ-CP tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư về chương trình hành động phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó nhấn mạnh, hình thành nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh quốc tế. Ông đánh giá vai trò của DN tư nhân lớn với nền kinh tế thế nào?
- Đảng và Nhà nước ta tiếp tục thực hiện nhất quán quan điểm phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng phát triển kinh tế. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế, thậm chí là động lực tăng trưởng chủ yếu. Muốn trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao, phải dựa vào khả năng tự lực, tự cường của các DN tư nhân trong nước.
DN tư nhân đang phải đối mặt không ít khó khăn, thách thức, trong đó có những diễn biến phức tạp, khó lường từ thế giới và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập, việc hình thành các tập đoàn kinh tế lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh toàn cầu là rất cần thiết để đóng vai trò động lực lớn, lan tỏa, lôi kéo các thành phần kinh tế và DN tư nhân khác. Những DN này được ví như “sếu đầu đàn” dẫn dắt, cả “đàn sếu” bay nhanh, bay xa…
Ông nhận gì về tình hình hoạt động của các tập đoàn kinh tế tư nhân
Việt Nam hiện nay so với thế giới?
- Các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới thường là các công ty xuyên quốc gia, luôn đóng vai trò đầu tàu đưa quốc gia trở thành những cường quốc kinh tế. Đó cũng là những thương hiệu mang lại niềm kiêu hãnh cho người dân của các quốc gia đó. Mô hình tập đoàn kinh tế trên thế giới rất đa dạng. Ở Mỹ và châu Âu, thông thường tập đoàn kinh tế tư nhân được hình thành thông qua quá trình sáp nhập hoặc mở rộng.
Mô hình của các tập đoàn kinh tế ở Nhật Bản và Hàn Quốc có cấu trúc giống như kim tự tháp với sự phân tầng rõ ràng, trên đỉnh cao là những tập đoàn toàn cầu, dưới là các công ty lớn, công ty vừa và công ty rất nhỏ. Đây là hệ thống thống nhất, những công ty lớn chuyển giao hợp đồng cho công ty nhỏ hơn.
Ở Việt Nam, dấu ấn rõ nét là trong những năm gần đây, một số DN tư nhân lớn đã xuất hiện như Sun Group, Vingroup, Thaco, Masan, FPT, Vietjet… nhưng số lượng chưa nhiều. Số liệu từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong số các DN tư nhân đang hoạt động, những DN lớn chỉ chiếm khoảng 2%, DN loại vừa chiếm hơn 2%, còn lại gần 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ.
Điểm yếu của DN tư nhân Việt Nam là gì, thưa ông?
- Điểm yếu là số DN tư nhân đầu tư cho đổi mới sáng tạo, thiết bị máy móc hay công nghệ còn hạn chế. Tỷ lệ sử dụng công nghệ cao rất thấp, so với các nước trong khu vực, chỉ đạt 2%. Nguồn vốn đầu tư cho đổi mới công nghệ rất thấp, khoảng 0,2 - 0,3% tổng doanh thu…
Bên cạnh đó, qua quá trình phát triển, các tập đoàn kinh tế tư nhân của ta thường bắt đầu từ đất đai và tích lũy dần dần mới phát triển lên được. Muốn phát triển các tập đoàn có tầm cỡ quốc tế phải có chính sách hỗ trợ tập đoàn tư nhân, đặc biệt là mặt quan hệ quốc tế, tạo cơ hội cho họ có thể kết nối với tập đoàn nước ngoài. Cùng với đó, hỗ trợ và hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích DN lớn đầu tư để cải tạo năng suất, chuyển dần sang tăng trưởng theo chiều sâu.
Có cơ chế hình thành, phát triển các "đại bàng" nội
Có ý kiến cho rằng, kinh tế tư nhân là “ngôi sao hy vọng” trong hành trình đến một quốc gia thịnh vượng vào năm 2045 nhưng dường như cơ chế, chính sách cho khu vực này vẫn kém thuận lợi so với khu vực kinh tế Nhà nước và FDI. Quan điểm của ông thế nào?
- Rõ ràng, một số địa phương vì muốn nhanh chóng đạt được công nghiệp hóa đã có những ưu đãi vượt cả khung luật pháp của Nhà nước như tiền cho thuế đất hay miễn giảm thuế để kéo DN nước ngoài. Đến bây giờ, cần xem xét lại, ta phải đầu tư vào tập đoàn trong nước vì đó là những DN sẽ ở lại với ta, phát triển với dân tộc và đóng góp cho đất nước. Muốn đạt được những mục tiêu phát triển đã đề ra, việc sử dụng, phát huy hiệu quả các nguồn lực, cả ngoại lực và nội lực là rất cần thiết. Vì thế, cần những chính sách song hành, vừa dọn tổ đón “đại bàng” ngoại nhưng cũng cần nuôi dưỡng, phát huy nội lực, hình thành và phát triển “đại bàng” nội.
DN tư nhân cần được ứng xử bình đẳng, hướng tới xây dựng những tập đoàn tư nhân là đầu tàu cho chuỗi công nghiệp phụ trợ và niềm tin cho doanh nhân khởi nghiệp mang thương hiệu quốc gia…
Để thúc đẩy hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh theo ông cần làm gì và trong bối cảnh mới, cần có những hỗ trợ khác biệt nào so với trước đây?
- Trong bối cảnh cắt giảm thuế quan, dỡ bỏ rào cản thương mại và mở cửa thị trường sâu hơn, rộng hơn theo các cam kết của hiệp định FTA thế hệ mới, sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhiều ngành, DN và sản phẩm của nước ta sẽ gặp khó khăn hơn. Các rào cản trở ngại khách quan ngăn cản DN trong nước tăng trưởng quy mô là: Môi trường kinh doanh vẫn thiếu thuận lợi; gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai, vốn, thị trường, khách hàng và các bất lợi về thuế, hải quan.
Cùng với đó, thay đổi chính sách và pháp luật kinh doanh dẫn đến các DN không kịp nắm bắt và thích nghi.
Muốn phát triển thì tập đoàn tư nhân cần phải được sự hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài ra phải cải cách về thể chế, bộ máy, thực hiện công khai, minh bạch. Vừa rồi, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố báo cáo 72% các DN nói họ phải có bôi trơn và tỷ lệ đó lại tăng lên cho thấy, cải cách của chúng ta về mặt này chưa thành công. Phải chuyển mạnh sang kinh tế số, thực hiện công khai, minh bạch để kinh tế tư nhân có thể phát triển cạnh tranh một cách bình đẳng.
Cùng với đó, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật; tạo điều kiện ưu đãi về vốn, đất đai, thuế… đẩy mạnh liên kết kinh doanh giữa các DN nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Cơ hội sẽ dành cho người có năng lực
Nói về công khai, minh bạch, bình đẳng, chúng ta hình thành được các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu có đặt ra những thách thức mới trong việc nhận diện, phòng, chống chủ nghĩa “tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm” hay không? Thực tế là Đảng đặt vấn đề phòng, chống mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính?
- Cần làm rõ việc thực thi các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân từ góc độ đối tượng hưởng lợi. Nếu cả nền kinh tế hưởng lợi thì không có gì đáng e ngại. Chẳng hạn như giảm thuế, đặc biệt là trong việc tiếp cận các nguồn lực, cơ hội kinh doanh, hỗ trợ nguồn nhân lực chất lượng cao, trợ giúp về đào tạo khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Một chính sách tốt trong điều kiện hiện nay, theo tôi là một chính sách mang đến các quyền và cơ hội thay vì các lợi ích cụ thể. “Quyền” sẽ dành cho tất cả mọi người và “cơ hội” sẽ dành cho những ai có năng lực.
Chính phủ đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu DN, trong đó 60.000 - 70.000 DN quy mô vừa và lớn; đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu DN; hình thành và phát triển nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực, sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Ông đánh giá sao về khả năng thực hiện mục tiêu trên?
- Mục tiêu này rất cao và cần có chương trình hành động cụ thể để thực hiện. Với tình hình khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, số DN tư nhân rời thị trường lớn hơn số thành lập, cần phải có biện pháp thích hợp và cấp bách trợ giúp. Thời gian tới, cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thúc đẩy các chủ thể kinh tế tư nhân hình thành và phát triển.
Đặc biệt cải cách thủ tục hành chính, giảm các điều kiện gia nhập thị trường, chi phí tuân thủ, chi phí không chính thức…
Việt Nam cần có chính sách khuyến khích và tạo phong trào để từng địa phương xây dựng được các DN tư nhân hàng đầu của mình dựa trên những lợi thế địa phương. Đồng thời tạo điều kiện để DN vươn tầm hoạt động trên phạm vi cả nước và xa hơn là khu vực.
Xin cảm ơn ông!