Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà đầu tư phải biết sàng lọc thông tin

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thời gian qua, thị trường chứng khoán (TTCK) không ít lần phải đối mặt với những thông tin thất thiệt. Mỗi tin đồn tuy kéo theo sự biến động lên, xuống của thị trường nhưng lại phản ánh không đúng giá trị thực của thị trường.

Nhà đầu tư phải biết sàng lọc thông tin - Ảnh 1
Trong thời đại bùng nổ thông tin, chuyện có những tin đồn là không thể tránh khỏi. Vấn đề là NĐT, các cơ quan chức năng phải tìm ra cách thức đối phó hiệu quả với tin đồn. Đó là quan điểm của TS Nguyễn Trí Hiếu (ảnh bên) trong cuộc trao đổi với phóng viên.

Đã nhiều lần TTCK Việt Nam phải chứng kiến những phiên giao dịch đỏ rực chỉ vì những tin đồn thất thiệt. Vấn đề này cho thấy điều gì, thưa ông?

- TTCK Việt Nam đang quá nhạy cảm với các thông tin trong nước và quốc tế. Với vai trò "hàn thử biểu" của nền kinh tế, đi trước và đón đầu các chính sách vĩ mô, mỗi tin tức về một thay đổi nhỏ trong thu nhập của một công ty hay một chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản có thể dẫn tới sự thay đổi về giá lớn hơn so với mức thay đổi lý thuyết. Có một điểm lưu ý ở đây, đó là chỉ số VN-Index không chờ đến lúc thông tin chính thống được công bố mà đã bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng trong hiệu số về tin tiêu cực và tin tích cực từ những ngày trước đó. 

Nhà đầu tư phải biết sàng lọc thông tin - Ảnh 2

Nhà đầu tư giao dịch tại thị trường chứng khoán ACB. Ảnh: Trần Việt


Nguyên nhân vẫn là do thị trường Việt Nam đang bị “dẫn dắt” quá nhiều bởi tin đồn và niềm tin của nhà đầu tư (NĐT) vào thị trường còn yếu ớt. Một thị trường tài chính còn non trẻ, mong manh và dễ bị tổn thương như Việt Nam thì các hành vi thao túng và trục lợi này càng dễ thực hiện.

Ông có cho rằng, so với những tin đồn thời kỳ đầu, mức độ của các tin đồn gần đây ngày càng nghiêm trọng?

- Tôi nghĩ không hẳn đã như vậy. Trước đây, ngày 12/3/2008, trên thị trường xuất hiện tin đồn Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) bị bắt. Sau đó, ông Nguyễn Duy Hưng lên xác nhận tin đồn sai sự thật. Hồi tháng 5/2011, có tin đồn cho rằng Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Nam (SouthernBank) ông Phan Huy Khang bỏ trốn. Đang có việc ở miền Bắc, ông Khang phải bay gấp về TP Hồ Chí Minh để bác tin đồn này... Rồi những tin đồn liên quan đến vĩ mô như phá giá tiền VND, về cung - cầu ngoại tệ, cung - cầu vàng; các động thái tăng giảm lãi suất...

Có điều mô týp phổ biến dễ thấy là thường nhắm vào những nhân vật quan trọng là lãnh đạo ngân hàng, công ty niêm yết lớn trên sàn chứng khoán… vì đây là những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn đến thị trường. Trong trường hợp tin đồn thất thiệt về BIDV, những người tung tin đã đánh trúng vào tâm lý bầy đàn, tâm lý dễ bị tổn thương sau vụ "bầu Kiên".

Vậy theo ông, NĐT nên phản ứng thế nào trước những tin đồn?

- TTCK nào cũng có tin đồn. Sự khác nhau là khả năng đánh giá của NĐT về tin đồn và cách thức phản ứng của doanh nghiệp niêm yết và cơ quan giám sát thị trường. Xét về bản chất vấn đề, khi kinh tế vĩ mô còn chưa có tin tốt hỗ trợ, tâm lý của người dân hay NĐT càng dễ bị dao động. Chính vì thế, với một thị trường minh bạch hơn thì hậu quả sẽ đỡ hơn. 

Không phải tất cả người dân, NĐT đều có đầy đủ cơ sở, năng lực để thẩm định thông tin thất thiệt. Ông có thể nói gì về vai trò và trách nhiệm của các cơ quan quản lý?

- Từ trước đến nay có những tin đồn hoàn toàn bịa đặt nhưng cũng có những tin đồn xảy ra trước và thực tế sau đó chứng minh tin đồn ấy là đúng. Những kẻ tung tin đồn thất thiệt đã trục lợi hàng trăm tỷ đồng còn những người bị gán với tin đồn luôn phải gánh hậu quả nặng nề. Những tin đồn tương tự có thể tiếp tục xuất hiện, trước hết người dân phải tự bảo vệ mình bằng sự thận trọng, tỉnh táo. Các cơ quan chức năng cần có phản ứng nhanh chóng trước những tin đồn thất thiệt, cung cấp cho người dân và giới đầu tư những thông tin nhanh và chính xác. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần vào cuộc nhanh chóng để tìm ra kẻ đã gây những tin đồn nhằm trục lợi, xử lý thật nghiêm. Ở tầm vĩ mô, khi xây dựng chính sách, phải làm sao để đảm bảo một trong những yêu cầu hàng đầu là dễ tiên lượng và cần có thông điệp nhất quán trong các chính sách điều hành…

Xin cảm ơn ông!