Nhận diện để khắc phục

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lần đầu tiên kèm theo một Chỉ thị của TP Hà Nội về vấn đề tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm công vụ đã đưa ra khung nhận diện 25 biểu hiện vi phạm kỷ cương, kỷ luật, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm của cán bộ thực thi nhiệm vụ.

Đây là vấn đề mới đang nhận được nhiều sự quan tâm và kỳ vọng sẽ tạo ra sự chuyển biến sâu sắc, mạnh mẽ hơn nữa về tinh thần trách nhiệm, sự đột phá trong toàn hệ thống chính trị của TP.

Trong những năm qua, Hà Nội đã đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; thực hiện tốt phương châm các việc cấp bách phải được giải quyết ngay. TP cũng lựa chọn đúng, trúng những vấn đề cần tập trung chỉ đạo, nhất là việc khó, những hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra…

Tinh thần trách nhiệm là vấn đề được lãnh đạo TP liên tục nhắc nhở các cấp, ngành; nhiều giải pháp mạnh mẽ để xử lý vi phạm cũng được thực thi. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc được giao, biểu hiện tâm lý “bàn lùi”, sợ sai, sợ trách nhiệm; rồi việc tham mưu không rõ quan điểm, “lòng vòng”; tìm cách “đẩy việc” lên cơ quan cấp trên hoặc sang bộ phận, cơ quan, đơn vị khác... Vì vậy, việc thẳng thắn nhìn nhận, phân tích, đánh giá nguyên nhân để có giải pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời là việc rất cần thiết.

Với việc ban hành và đưa vào thực thi Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội “về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP” đã thể hiện quyết tâm rất cao của TP trong việc tiếp tục tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị trong vấn đề này. Khởi đầu từ một hội nghị lớn với 649 điểm cầu và sự tham gia của 23.041 đại biểu, Chỉ thị số 24-CT/TU đã được lan tỏa tới các cấp, ngành.

Sau Chỉ thị, kế hoạch của TP, các đơn vị sẽ xác định rõ việc phải làm, công tác tổ chức thực hiện, để kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Và điểm nhấn được quan tâm, là ngoài 6 nhóm nhiệm vụ, Chỉ thị còn có phụ lục gợi ý về nhận diện một số biểu hiện vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP.

Trong đó bao gồm 12 biểu hiện về vi phạm kỷ cương, kỷ luật; 9 biểu hiện về né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, gồm cả những biểu hiện như không ưu tiên giải quyết ngay những việc cấp bách, vấn đề lớn, khó, tìm cách đùn đẩy việc, không rõ quan điểm trong tham mưu, chậm trong tiếp thu, trả lời vấn đề được hỏi ý kiến…; 4 biểu hiện về trong việc thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích những người dám đấu tranh, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo.

Có thể nói, TP Hà Nội là địa phương đầu tiên đưa ra khung nhận diện này, dù mới là bước đầu trong việc triển khai các nội dung mới, chưa có tiền lệ và có thể chưa bao quát hết các phát sinh từ thực tiễn. Nhưng có nhận diện được mới có giải pháp để khắc phục được. Bởi thế, đây chính là cơ sở quan trọng để các cấp, ngành, địa phương chủ động rà soát, cụ thể hóa cho phù hợp với thực tế mỗi đơn vị, để từ nhận diện, sẽ khắc phục tồn tại, hạn chế từ sớm, từ xa, mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu lực, hiệu quả công việc.

Song hành với đó, TP Hà Nội cũng đang tiếp tục rà soát, thực hiện mạnh mẽ các cơ chế, chính sách phân cấp, ủy quyền, giao quyền. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân; bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì công việc chung. Việc thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo, tính chuyên nghiệp, tinh thần phục vụ, sẽ góp phần xóa bỏ đi sự trì trệ.