Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhận diện thủ đoạn, mánh khóe của tín dụng đen

Đông Phong - Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối với dân chơi cần tiền “nóng", tiệm cầm đồ chính là những địa chỉ phải thuộc nằm lòng. Đáng nói là giờ đây khắp phố cùng quê – không nơi nào thiếu "địa chỉ đen", đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người như trường đại học, khu công nghiệp, thị trấn, thị tứ…

Bài 2: “Rắc thính - dụ mồi”
Từ con ngoan, thành “con bạc”

Sau kỳ thi THPT năm 2015, Tuấn (quê Thanh Liêm, Hà Nam) nhận được giấy báo của 3 trường đại học danh giá ở Thủ đô. Vì có bố làm trong ngành giao thông nên Tuấn chọn ngành giống bố làm việc (hy vọng sau khi ra trường con nối nghiệp cha). Ngày tiễn Tuấn đi học, bố mẹ, anh em, làng xóm rất kỳ vọng Tuấn sẽ làm rạng danh cho gia đình, dòng tộc.

Năm học đầu tiên, người trong xóm trọ ở đường chùa Láng vẫn thầm khen, tuy con nhà có điều kiện nhưng chăm ngoan, không chơi bời như đám bạn cùng trang lứa. Hàng tháng, ngoài tiền ăn học, mẹ Tuấn còn cho thêm đôi triệu để tiêu vặt. Sau kỳ nghỉ Tết năm 2016, trở lại trường, khi mẹ đưa tiền, cậu còn không nhận bởi khoản tiêu vặt 2 triệu đồng mỗi tháng của năm trước Tuấn vẫn chưa dùng đến.
 Tờ rơi cho vay dán trên cột điện một con phố ở Hà Nội.
Ấy vậy mà cuối học kỳ 2, năm thứ 2, Tuấn bắt đầu “đều đặn xin tiền”. Vẫn điệp khúc của những sinh viên ham chơi hơn ham học, nào tiền học thêm ngoại ngữ, tin học, tài liệu, máy tính… Đầu tiên chỉ tháng thêm đôi triệu, bố mẹ vẫn không mảy may nghi ngờ. Nhưng đến lúc Tuấn xin đến cả chục triệu đồng mỗi tháng, ông bố đẻ mới sinh nghi và âm thầm tranh thủ lên Hà Nội điều tra “cách thức tiêu tiền” của ông con.

Hóa ra, số tiền hơn chục triệu đồng mỗi tháng được cu cậu đầu tư vào… giải ngoại hạng Anh! Đầu tiên chỉ là cữ cà phê với mấy đứa cùng lớp, dần dà Tuấn lún sâu vào cá độ bóng đá lúc nào không hay.

Từ chỗ là sinh viên chăm chỉ, đến lúc bố mẹ phát hiện ra, Tuấn đã học hành sa sút, nhớ tên cầu thủ, huấn luyện viên các đội bóng hơn những kiến thức về giao thông mà các thầy cô truyền đạt trên giảng đường. Số tiền nợ độ bóng đá của Tuấn đã lên đến 160 triệu đồng.

Không học giỏi như Tuấn, nhưng Triệu Như Hùng (Thanh Miện, Hải Dương) cũng sinh ra trong gia đình có điều kiện kinh tế và tính tình rất hiền lành. Biết có đầu tư cho con đi học cũng vô ích, xong lớp 12, bố mẹ cho Hùng đi học lái xe. Sau khi có tấm bằng lái, bố mẹ đầu tư cho Hùng chiếc xe Vios mới kính coong để chạy dịch vụ bởi vùng quê này kinh tế đang rất phát triển, nhu cầu về xe dịch vụ khá cao.

Hai năm đầu, ngoài tiền xăng dầu, khấu hao, hàng tháng Hùng vẫn đều đặn nộp về cho mẹ chục triệu đồng. Nhưng đến năm thứ 3, “vin” vào cớ xe xuống cấp, Hùng chẳng nộp về cho gia đình đồng nào còn “vét” hết số tiền trước đó đã đưa cho bố mẹ. Từ đó đến nay, Hùng đã cho xe “đi ở” đến 3 lần.

“Chết” vì anh em

Người xưa có câu “Không thày đố mày làm nên”. Nghề nghiệp cũng vậy, ăn chơi cũng không khác! Với Tuấn, sau những giờ học căng thẳng, cuối tuần cu cậu cũng chỉ ru rú trong phòng trọ với chiếc máy tính.

Nhưng chơi với máy tính lắm cũng nhàm, vốn dĩ yêu thích bóng đá nên cuối tuần, cu cậu lân la ra mấy sân bóng “phủi” gần khu trọ. Thấy Tuấn chơi khá hay, Nam “chày” - một cao thủ bóng phủi (đồng thời là thành viên một trang cá độ bóng đá) đã kéo Tuấn về đội và nhận làm "em kết nghĩa".

Ban đầu, những tưởng chỉ rèn luyện sức khỏe, dần dà đến “độ” chầu bia và khi rượu bia đã ngấm vào máu, cá độ cũng không dừng ở mức bia bọt và những trận bóng phủi, lúc này Tuấn đã thành con bạc. Sau khi "chồng" đủ cho Nam “chày” 160 triệu, bố Tuấn đã phải xin bảo lưu kết quả, đưa ông quý tử về để “cai” trái bóng tròn.

Sau khi đã chuộc xe lần thứ 3 (với tổng số tiền bỏ ra bằng một chiếc Vios mới) – ông Thanh (bố đẻ) đã phải gửi Hùng sang Hưng Yên đi làm nhãn với người anh rể. Theo ông Thanh, "dù đánh bạc rất ngu, nhưng lại ham ăn thua (chính vì lý do này) mà Hùng đã bị đám lái xe và nhà cái biến thành “con gà” để thi thoảng… vặt lông". Và điều khiến ông Thanh đau nhất là chính người anh con bác ruột của Hùng đã “dụ” cu cậu vào trò đỏ đen vì biết gia đình thuộc hạng có điều kiện!

Công nghệ “vặt lông”

Là kẻ có thâm niên trong nghề “tín dụng đen”, Thắng “dẻo” – một chủ hiệu cầm đồ ở Hà Đông cho biết: Đối với dân lao động, buôn bán nhỏ khi khó khăn, cùng lắm họ chỉ vay nóng dưới chục triệu đồng, thời gian vay cũng chỉ một tháng đổ lại.

Với món vay nhỏ lẻ như vậy, lãi suất được tính ở mức “hữu nghị” là 3.000 đồng/1 triệu/ngày. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào nhóm đối tượng này thì có mà “móm”. Bởi để duy trì được hệ thống cửa hàng cầm đồ, ngoài tiền thuê nhà, điện nước, những người làm nghề này còn phải nuôi một đội quân chuyên thu hồi công nợ. "Nếu không có chúng nó, tiền cho vay ra khác gì nước đổ hang chuột!" - Thắng "dẻo" kể.

Nhân vật này còn bật mí: "Đối với đám thanh niên, sinh viên, một khi đã chơi thì không có điểm dừng, độ ăn thua, cay cú rất cao. Dẫu chúng chưa làm ra tiền nhưng bố mẹ chúng nó là người phải trả tiền, “của đau – con xót” mà. Còn đối với nhóm công chức, viên chức, họ là người có thu nhập thường xuyên và còn danh dự, uy tín với cơ quan, đồng nghiệp. Do vậy đây là nhóm đối tượng rất dễ “vặt”".

Và để “nuôi” đám khách hàng tiềm năng này, ban đầu các tổ chức “tín dụng đen” đưa ra mức lãi suất rất nhẹ, điều kiện vay thì vô cùng thông thoáng. Với sinh viên, chỉ cần thẻ, chứng minh nhân dân, còn công chức, viên chức chỉ hợp đồng lao động, sổ bảo hiểm là đủ điều kiện vay vốn. Hợp đồng vay tiền cũng chỉ là tờ giấy viết tay. Nhưng từ xưa tới nay, cờ bạc bao giờ cũng là “bác thằng bần”. Những kẻ đã đâm đầu vào "cơn đỏ đen" thì đa phần thua là chính.

Đến lúc này, lãi suất không còn ở mức “hữu nghị” nữa, với 1 triệu, cứ lãi suất 5.000 - 7.000 đồng/ ngày mà “giã”. Nếu không đúng hạn hoặc có dấu hiệu “bùng” thì chính là lúc đội quân thu hồi nợ ra tay… (còn nữa)