Nhân lên lòng nhân ái, nghĩa cử cao đẹp tạo thành phong trào mạnh mẽ

Trần Thảo – Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 26 năm triển khai thực hiện, phong trào “Người tốt, việc tốt” đã trở thành nếp văn hóa của người dân Hà Nội. Từ việc làm nhỏ ý nghĩa lớn, từ một người tốt nhân lên tập thể vững mạnh đã biến phong trào từ thi đua lập thành tích đơn thuần trở nên có sức sống mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển, đi lên của Thủ đô trong giai đoạn mới.

Nhiều tấm gương trong cộng đồng xã hội tham gia với những việc làm nhân ái, nghĩa cử cao đẹp, vượt qua chính mình để đóng góp cho xã hội. Ý nghĩa cao đẹp đó đã được thể hiện tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt tiêu biểu; vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2018 diễn ra vào sáng nay 9/10.

Cho đi để nhận lại

Là một trong những cựu chiến binh có nhiều đóng góp cho xã hội trong công tác từ thiện, bà Trần Thị Trâm (65 tuổi) ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng xúc động chia sẻ: Từ năm 2010 đến nay, bà luôn gắn bó với công tác từ thiện, nuôi dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, đồng thời, luôn có những chuyến từ thiện, chia sẻ, động viên kịp thời những trẻ em nghèo, phụ nữ, cựu chiến binh bằng sổ tiết kiệm, sách vở, sữa… “Với suy nghĩ, cho đi cái tâm để nhận lại cái phúc, đặc biệt làm theo lời Bác Hồ dạy, nên 8 năm qua, tôi ý thức rằng, mình cần phải làm công tác từ thiện thật nhiều để cứu giúp người, những mảnh đời khó khăn”, bà Trâm quan niệm.
 Bà Trần Thị Trâm, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng
Trong khi đó, được nhiều người mệnh danh là “phòng khám của người nghèo”, 25 năm qua, không quản ngày nắng hay ngày mưa, thứ Bảy, Chủ nhật hay ngày lễ, Tiến sĩ y học Nguyễn Văn Chương luôn miệt mài với công việc khám bệnh miễn phí cho những bệnh nhân nghèo ngay tại ngôi nhà nhỏ của mình (số 7 ngõ 424, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ). Bệnh nhân đến thăm, khám tại phòng khám Đông Hồ đều được ông khám bệnh, kê đơn thuốc và tư vấn các phương pháp bảo vệ sức khỏe miễn phí.

25 năm làm công tác từ thiện với suy nghĩ giản đơn, Tiến sĩ y học Nguyễn Văn Chương chia sẻ: “Trong quá trình công tác tại ngành y học lao động, được tiếp xúc nhiều với nhiều công nhân, nông dân nghèo khổ, bệnh tật, không có điều kiện khám chữa bệnh đầy đủ nên sau khi về hưu tôi đã mở ngay một phòng khám riêng tại với mong muốn được khám bệnh miễn phí cho những người lao động nghèo, hy vọng họ được khám chữa bệnh một cách đầy đủ và tốt nhất”.

Hay với tài năng sáng kiến, sáng tạo, 21 năm qua, những “nghệ nhân” (thành viên) trong gia đình bà Nguyễn Thị Hà (55 tuổi) thôn Đại Bái, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh luôn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, ngày đêm khéo léo tạo nên những cây con giống hoa cúc, góp phần phát triển kinh tế, làm đẹp cho địa phương và Thủ đô.
 

Tiến sĩ y học Nguyễn Văn Chương khám bệnh miễn phí cho những bệnh nhân nghèo ngay tại nhà (số 7 ngõ 424, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ).

Không chỉ tự tạo nên phòng mô để chế tạo nên cây giống, với kháng bệnh khỏe, nhân rộng mô hình cây con giống, ươm, trồng đưa đi các tỉnh thành trên cả nước, (chủ yếu cung cấp vào Đà Lạt), gia đình bà Hà còn giúp nhiều gia đình tại địa phương thoát nghèo, luôn có nhiều đóng góp trong công từ thiện tại địa phương. Hiện gia đình chị vừa trồng hoa, vừa làm cây con giống lên tới 6 mẫu, cho thu nhập hơn 1,2 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 40-50 lao động tại địa phương, chủ yếu là chị em phụ nữ với mức lương 5,5 triệu -6 triệu đồng/người/tháng, thậm chí vào mùa cao điểm 8-9 triệu đồng/người/tháng. Nhờ mô hình khởi nghiệp nhân rộng cây con giống, đời sống vật chất, tinh thần của những hộ dân ở xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh ngày càng được cải thiện, góp phần xây dựng Thủ đô.

Đam mê làm giàu, chuyển mình cùng xã hội

Được ví như “nguồn của cải vật chất khổng lồ” đóng góp vào tiềm lực kinh tế, tạo công ăn việc làm cho xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế, có thể khẳng định, doanh nhân Việt Nam nói chung và doanh nhân Hà Nội nói riêng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước.

Là đơn vị CNTT duy nhất tại Hà Nội giành Cup Thăng Long 2018, đồng thời cũng là đơn vị tiên phong tại Việt Nam ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 vào các sản phẩm của mình như: Trí tuệ nhân tạo vào các trợ lý số, Blockchain trong phần mềm hóa đơn điện tử, robot lễ tân,... Gần 25 năm qua, công ty cố phần MISA vẫn luôn khắc ghi sứ mệnh phụng sự xã hội, phát triển các sản phẩm và dịch vụ phần mềm nhằm thay đổi năng suất và hiệu quả không chỉ một cá nhân, tổ chức trong ngành CNTT nói riêng mà còn góp phần thúc đẩy năng suất và hiệu quả của đất nước.
 Tổng Giám đốc công ty cổ phần MISA Đinh Thị Thúy
Tổng Giám đốc công ty cổ phần MISA Đinh Thị Thúy chia sẻ, song hành với hoạt động kinh doanh, MISA cũng vun đắp những giá trị cho cộng đồng thông qua rất nhiều hoạt động chia sẻ lợi ích như: Chuyển giao hoàn toàn miễn phí phần mềm vào giảng dạy cho sinh viên hơn 600 trường ĐH, CĐ, THCN trên cả nước, tặng gần 60,000 phần mềm cho các doanh nghiệp mới thành lập, tổ chức nhiều khóa hội thảo - tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho khách hàng, hỗ trợ và tích cực trong việc tham gia và xây dựng các Hội, Hiệp hội.

Là doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề, 25 năm qua, Công ty Cổ phần Ao Vua luôn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội do TP phát động: Ngân hàng bò ở Ba Vì và Phú Thọ, mỗi ngân hàng bò được công ty đầu tư 3 tỷ đồng/năm; xây nhà tình nghĩa cho những người có hoàn cảnh khó khan… với tổng nguồn hỗ trợ 10 tỷ đồng/năm; tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương.

“Làm kinh doanh phải đi trước, đón đầu và có tầm nhìn chiến lược. Mọi ý tưởng cần xuất phát từ yêu cầu thực tế, đón bắt tương lai để xây dựng cuộc sống bằng tâm, tầm và sự quyết liệt mới có thể thành công. Điều quan trọng nhất của một doanh nhân là phải có tâm. Doanh nhân cần biết sống vì mọi người, vì xã hội thì mới bền vững…” Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ao Vua Nguyễn Thị Thanh Hương quan niệm.

Khổ luyện, mang vinh quang về cho Tổ quốc

Dư âm về ASIAD 18 và tấm HCV đầu tiên ở môn điền kinh của thể thao Việt Nam tại đấu trường Á vận hội dường như vẫn còn đọng lại trong mỗi chúng ta bởi thành tích vô cùng ấn tượng của người con gái Hà Nội Bùi Thị Thu Thảo. Nhưng đằng sau ánh hào quang của tấm huy chương, là một câu chuyện dài với vô vàn thử thách, mà ở đó toát lên nghị lực, bản lĩnh vượt khó của cô gái Ba Vì có biệt danh “Thảo Bò vàng”. Cũng giống như Bùi Thị Thu Thảo, sự hy sinh, âm thầm khổ luyện để mang về vinh quang cho Tổ quốc chính là công việc hàng ngày của những HLV, VĐV thể thao Việt Nam, trong đó có các tuyển thủ Hà Nội.
 Vận động viên Cầu mây Nguyễn Hoàng Lân giành Huy chương Đồng ASIAD năm 2018
Xuất sắc giành Huy chương Đồng ASIAD năm 2018, vận động viên Cầu mây Nguyễn Hoàng Lân xúc động chia sẻ, là một người con của Thủ đô Hà Nội, anh vô cùng tự hào và cảm thấy may mắn khi lần đầu tiên tham dự ASIAD. Anh cùng đồng đội của mình đã đạt được Huy chương Đồng đầu tiên cho Cầu mây nam tại đấu trường ASIAD. “Khi cầm trên tay tấm Bằng khen này, tôi rất vui song cũng thấy mình có trách nhiệm cần phải nỗ lực hơn nữa để tiếp tục chinh phục những thử thách đang chờ đón mình trước mắt, mang thành tích về cho Thể thao Hà Nội nói riêng cũng như Thể thao Việt Nam”, anh Nguyễn Hoàng Lân nói.
 Vận động viên Boxing Nguyễn Thị Tâm giành Huy chương Đồng ASIAD năm 2018.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Tâm – vận động viên Boxing, Huy chương Đồng ASIAD năm 2018 không kiềm chế được cảm xúc khi vinh dự lần thứ 2 được nhận Bằng khen của TP, sau khi nhận Huy chương Vàng lịch sử của Boxing Việt Nam năm 2017. “Trong quá trình tập luyện VĐV môn boxing trải qua rất nhiều khó khăn, thậm chí là đổ máu ở trên đài. Mỗi lần ép cân rất cực khổ. Ngoại hình của tôi trong môn boxing khá nhỏ bé so với các bạn trong nước, nên tôi cũng chỉ cố gắng làm sao rèn luyện để có sức khỏe tốt và lên đài chiến đấu với sự nhanh trí. Giải đấu ASIAD năm nay, tôi đã gặp rất nhiều đối thủ mạnh. Trải qua thời gian luyện tập, thi đấu và đạt được thành tích như vậy nên cũng cảm thấy rất tự hào, biết ơn các thầy đã dạy dỗ mình. Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới, đồng thời, hy vọng các bạn VĐV trẻ của Thể thao Việt Nam nói chung sẽ tiếp bước các anh chị, tiến tới đạt được nhiều thành tích vẻ vang hơn nữa”, vận động viên Boxing Nguyễn Thị Tâm chia sẻ.