Nhật: Nhiều công ty phải đóng cửa vì lãnh đạo già yếu

Lan Hương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các công ty nhỏ tại Nhật hiện đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa khi lãnh đạo đã già yếu mà không thể tìm được người kế nhiệm.

Đây là dấu hiệu cho thấy tác động của sự già hóa dân số nhanh chóng ở nền kinh tế thứ 3 thế giới.
Thủ tướng Shinzo Abe đã đặt mục tiêu tập trung vào lĩnh vực kinh doanh khởi nghiệp như một phần quan trọng của hoạt động phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, kế hoạch này dường như không mấy hiệu quả khi số lượng doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa vẫn ở mức cao kỷ lục.
 Ông Watanabe cùng sản phẩm phấn của mình.
Tốc độ già hóa dân số quá nhanh khiến nhiều chủ doanh nghiệp Nhật Bản không đủ sức điều hành công ty. Hiện, độ tuổi trung bình của chủ sở hữu các công ty là 60 tuổi. Và 2/3 trong số này không tìm được người kế nhiệm.
Ông Takayasu Watanabe, 72 tuổi, vừa phải đóng cửa một cơ sở sản xuất phấn ở Nagoya, miền Trung Nhật Bản mà gia đình ông đã kinh doanh trong suốt 80 năm. Năm ngoái, ông đã bán lại công nghệ, thiết bị và quyền thương hiệu cho một công ty Hàn Quốc.
“Điều kiện sức khỏe của tôi không cho phép tôi tiếp tục làm việc. Tôi không thể tìm được người kế nhiệm và việc kinh doanh không thuận lợi nữa”, ông nói. 3 cô con gái của ông không ai muốn đảm nhiệm công ty thay bố.
Các khảo sát của Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) cho thấy, các nhà sản xuất nhỏ vẫn bi quan vào nền kinh tế sau hơn 3 năm sau khi Thủ tướng Abe cam kết phục hồi nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát bằng chính sách Abenomics.
Việc đóng cửa các công ty nhỏ có thể tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng của Nhật Bản, một số nhà phân tích cảnh báo. "Việc các chủ doanh nghiệp đang ngày một già đi và khó khăn trong việc tìm người người kế nhiệm đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng cho các công ty Nhật Bản", Yumi Tanaka, nhân viên nghiên cứu tín dụng doanh nghiệp tư nhân nói.