Nhiều chính sách ưu đãi doanh nghiệp đầu tư Trung tâm liên kết ĐBSCL

Ngọc Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, khi đầu tư vào Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL, nhà đầu tư được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, tiền thuê đất..

Chính sách ưu đãi "hút" doanh nghiệp

Ông Lê Thanh Tâm - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ cho biết, thực hiện Nghị quyết số 45/2022/QH15, ngày 11/1/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ, TP sẽ triển khai 2 dự án trọng điểm, có sức ảnh hưởng đến cả vùng ĐBSCL là Dự án Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và Dự án Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản ĐBSCL tại TP. Cần Thơ.

Đối với Trung tâm liên kết nông sản ĐBSCL, dự kiến đề án được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt.

Đồng thời, các cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư, kết nối hạ tầng giao thông, logistics, giải phóng mặt bằng, tái định cư sẽ được triển khai để phục vụ cho Trung tâm nhằm giúp TP Cần Thơ có bước chuẩn bị tốt cho việc triển khai các cơ chế đặc thù theo tinh thần Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết, cùng với việc tham mưu UBND TP xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt đề án, Sở NN&PTNT sẽ thực hiện thông tin, tuyên truyền về cơ chế, chính sách đặc thù mà các nhà đầu tư được ưu đãi về thuế, tiền thuê đất khi đầu tư vào Trung tâm.

Cụ thể, thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư tại Trung tâm được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Thời gian bắt đầu hưởng ưu đãi, điều kiện áp dụng ưu đãi thuế, thu nhập được hưởng ưu đãi quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. 

Đồng thời, miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản tối đa không quá 3 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất; sau thời gian miễn tiền thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản, được miễn tiền thuê đất 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất trong 7 năm tiếp theo. 

Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, dự kiến huy động 100% vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước. Hiện nay chưa có quy định về suất đầu tư, tuy nhiên qua khảo sát thị trường có thể tạm tính suất vốn đầu tư như sau: Khu 1 (50ha), vốn đầu tư hạ tầng cho mỗi m2 dự kiến khoảng 4 triệu đồng (bao gồm chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư bình quân tạm tính 2 triệu đồng/m2 và chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng khoảng 2 triệu đồng/m2). Tương ứng vốn đầu tư khu 1 (50ha) khoảng 2.000 tỷ đồng.

Với mục tiêu "một điểm đến đa dịch vụ", khi Trung tâm đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết các điểm nghẽn trong chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản của vùng.
Với mục tiêu "một điểm đến đa dịch vụ", khi Trung tâm đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết các điểm nghẽn trong chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản của vùng.

Khu 2 (200ha), vốn đầu tư hạ tầng cho mỗi m2 dự kiến khoảng 2,3 triệu đồng (bao gồm chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư bình quân tạm tính 0,3 triệu đồng/m2 và chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng khoảng 2 triệu đồng/m2). Tương ứng vốn đầu tư khu 2 (50ha) khoảng 4.600 tỷ đồng.

Hiến kế Trung tâm liên kết nông sản đưa ĐBSCL "cất cánh"

Tại diễn đàn Kinh tế thường niên TP Cần Thơ năm 2023 với chủ đề "Vai trò và giải pháp liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ÐBSCL" do UBND TP Cần Thơ tổ chức mới đây, TP đã thu thập ý kiến đóng góp, "hiến kế" từ chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo sở ngành, nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, để Trung tâm thật sự trở thành trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của cả vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ cần ưu tiên thu hút các công nghệ mới, công nghệ chuyên sâu có tính dẫn dắt trong lĩnh vực sản xuất và chế biến nông sản.

Song song đó, cần kêu gọi đầu tư trung tâm thương mại đầu mối, đấu giá nông sản với mục đích quảng bá, liên kết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trưng bày, bán sản phẩm, tham gia đấu giá thu mua nông sản cấp vùng; cung cấp thông tin thương mại, dự báo thị trường, tư vấn hồ sơ pháp lý…

Bản đồ xây dựng Trung tâm liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.
Bản đồ xây dựng Trung tâm liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.

Đồng quan điểm, bà Trương Thị Lan - Trưởng Phòng Chính sách xúc tiến Thương mại, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, TP Cần Thơ cho rằng, cần đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, mở rộng các kênh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử, thương mại đa kênh.

Qua đó, vừa hỗ trợ các địa phương khai thác kênh phân phối mới, có cơ hội tiếp cận số lượng lớn người tiêu dùng một cách nhanh chóng; chủ động chuẩn bị kết nối, xúc tiến tiêu thụ trong nước cho các sản phẩm đặc biệt nông sản có tính mùa vụ của địa phương. 

Song song đó, phối hợp với các Bộ, ngành cơ quan liên quan xây dựng chiến lược xúc tiến thương mại vào từng thị trường một cách cụ thể cho từng mặt hàng chủ đạo của vùng, chú trọng các mặt hàng thế mạnh, có ưu thế cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, bao bì đóng gói đúng quy chuẩn...

 

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh: Trung tâm này sẽ là nơi tập hợp các nguồn lực có khả năng tham gia giải quyết những bài toán lớn của vùng như: Chuyển đổi cơ cấu kinh tế; logistics, hậu cần; ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thế và lực để TP Cần Thơ thực hiện vai trò là cực kết nối giữa các tỉnh vùng ĐBSCL, kết nối với các nước tiểu vùng sông Mê Kông.

TP Cần Thơ kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết điểm nghẽn chung về khâu tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản trong vùng.