Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều lỗ hổng trong quản lý rượu thủ công

Nguyễn Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội và một số địa phương liên tục xảy ra các vụ ngộ độc rượu gây hoang mang dư luận.

Trực tiếp mục sở thị tại những làng quê nổi tiếng chuyên nấu rượu thủ công, chúng tôi nhận thấy,  có quá nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý sản xuất, kinh doanh sản phẩm này.
Bỏ ngỏ nhãn hiệu
Ngay sau khi xảy ra vụ ngộ độc rượu tại quận Cầu Giấy, cơ quan chức năng đã xác định được cơ sở cung cấp rượu kém chất lượng là gia đình bà Nguyễn Thị Hảo, ở thôn Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai. Đây là cơ sở mua rượu từ nhiều nơi khác về rồi pha chế, cung cấp cho thị trường, trong đó có sản phẩm của làng nghề Tân Độ, xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên, nức tiếng gần xa về nấu rượu gạo, rượu sắn, rượu ngô thủ công.

Đội QLTT số 6 Hà Nội thu giữ hơn 1000 lít rượu không rõ nguồn gốc tại số nhà 32, ngõ 129, phố Thiên Hiền, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Trần Việt

Chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Ngọc, ở thôn Tân Độ, xã Hồng Minh khi mẻ rượu đầu tiên trong ngày đang được chưng cất. Từng giọt rượu vẫn đều đặn chảy vào chai. Công đoạn để chuẩn bị nấu những nồi rượu tiếp theo vẫn được vợ chồng bà Ngọc tất bật chuẩn bị. Từ khâu chọn gạo để ngâm, nấu cơm rượu, làm nguội cơm để trộn men, ủ cơm rồi chuẩn bị nồi chưng cất. Đon đả giới thiệu sản phẩm rượu của làng nghề truyền thống, bà Ngọc cho biết: “Rượu ở đây chưa được cấp nào dán nhãn hay công nhận thương hiệu, nhưng tên rượu đã đi vào đời sống của người dân quanh vùng. Nghề nấu rượu ở Tân Độ đã có từ hàng trăm năm nay và được truyền qua nhiều thế hệ. Nhờ có nghề này, nhiều hộ đã thoát nghèo. Do nấu rượu lãi ít nên đa số các hộ đều tận dụng bỗng, bã rượu kết hợp với chăn nuôi lợn. Nhà ít thì khoảng 10 con/lứa, nhà nhiều 60 con/lứa. Mỗi lứa bán đi cũng tích được khoản tiền để nuôi con ăn học, xây dựng nhà cửa, mua sắm vật dụng sinh hoạt hiện đại”.
Rời Tân Độ, chúng tôi tìm đến thôn Nga My Thượng, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai. Qua khảo sát tại một số hộ được biết, Nga My Thượng đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận làng nghề chế biến lương thực từ năm 2006. Chọn một hộ, chúng tôi dừng chân để được “mục sở thị” kỹ hơn. Thấy có người lạ đi cùng cán bộ xã, chủ hộ Lã Thị Dung “truy hỏi” ít phút rồi mới tâm sự: "Là đất nấu rượu thủ công truyền thống, quy trình sản xuất đơn giản, nhưng ở đây chưa bao giờ xảy ra ngộ độc rượu lần nào! Không tin, chú cứ nhấp thử một hụm rượu ở bất kỳ chum nào cũng được". Rồi chị đon đả hỏi tiếp: "Chú thấy rượu làng Mai chưng cất thế nào. Có gì khác so với rượu mọi nơi không?". Trả lời thắc mắc của tôi về nồng độ rượu ở đây cao hơn rượu nơi khác, chị cho hay, đó là đặc trưng của rượu làng Mai. Bởi người làm nghề chưng cất rượu ở nồng độ cao phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng mua về hạ thổ, để lâu mới uống.
Ngược đường đê, chúng tôi đến làng Bá Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng nằm ven sông Hồng nổi tiếng gần xa với tên “rượu làng Bá”. Nhờ có nghề nấu rượu truyền thống, năm 2004, thôn Bá Nội đã được công nhận làng nghề chế biến lương thực, đậu, rượu. Đi dọc đường bê tông trong làng, đâu đâu cũng thấy thoang thoảng mùi men rượu. Đang loay hoay tính toán chọn điểm dừng chân tác nghiệp, chúng tôi gặp tổ công tác của huyện đang đi đến từng hộ lấy mẫu rượu kiểm tra. Cùng chung nỗi niềm như các hộ nấu rượu ở Tân Độ và Nga My Thượng, chủ hộ Nguyễn Văn Dị cho hay: “Gần đây, các hộ trong thôn đứng ngồi không yên khi thông tin vụ ngộ độc rượu làm ảnh hưởng đến giá thành cũng như sản lượng tiêu thụ rượu của làng nghề”. Còn tại thôn Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, qua khảo sát được biết, từ khi xảy ra vụ ngộ độc rượu đến nay ở đây chỉ còn 2 hộ có đăng ký kinh doanh, sản xuất rượu hoạt động cầm chừng để lấy bỗng, bã rượu nuôi đàn lợn từ 60 - 70 con đang chờ ngày xuất chuồng. Gần 30 hộ sản xuất nhỏ lẻ khác không đăng ký sản xuất đã dừng hoạt động.
Qua khảo sát tại các địa phương cho thấy một điểm chung là khu sản xuất rượu và khu chăn nuôi lợn thường được bố trí ở liền nhau; cơm được đổ trên những mảnh nilon, bao tải dứa trải lên nền nhà hoặc lối đi để rắc men rượu, ruồi nhặng bâu quanh; nơi ủ cơm rượu rất ẩm thấp; rượu sản xuất xong được bảo quản trong thùng nhựa… Điều này làm dấy lên những nghi ngại về vấn đề ATTP.
Siết chặt quản lý
Nhìn nhận về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết: “Trên địa bàn huyện có 400 hộ kinh doanh, 150 hộ sản xuất rượu, tập trung chủ yếu ở xã Tả Thanh Oai với khoảng 30 hộ có quy mô sản xuất từ 12 - 80 lít/ngày. Từ khi có Nghị định 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ, huyện đã triển khai đồng bộ thủ tục hành chính về cấp phép sản xuất, kinh doanh rượu thuộc thầm quyền, công khai tại bộ phận một cửa, đồng thời chỉ đạo các xã triển khai để người dân nắm bắt thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, do quy hoạch, sản xuất rượu của các hộ mang tính nhỏ lẻ, không tập trung, chủ yếu sản xuất kết hợp với chăn nuôi lợn tạo thêm nguồn thu, cải thiện đời sống nên các hộ chưa quan tâm nhiều đến việc xin cấp phép. Mặt khác, số lượng cán bộ chuyên môn còn thiếu; chế tài xử phạt nhẹ, chưa đủ sức răn đe, tuyên truyền chưa sâu rộng, nên đến nay, toàn huyện mới chỉ có 3 hộ xin cấp phép hoạt động sản xuất, 1 hộ xin cấp phép kinh doanh rượu…”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành cho rằng, việc kiểm soát quá trình sản xuất, kinh doanh rượu thủ công đòi hỏi lực lượng chuyên ngành các cấp phải thường xuyên kiểm tra đột xuất. Trong khi đó, ở các xã, thị trấn chưa có cán bộ chuyên môn. Còn cơ quan chức năng chuyên trách của huyện mỏng, địa bàn rộng, sự hỗ trợ của các sở, ngành liên quan còn hạn chế nên việc xử lý khó đạt hiệu quả. Ông Thành chia sẻ: “Để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn cùng 28 xã, thị trấn và người dân tập trung hoàn thiện hồ sơ xây dựng thương hiệu rượu tại một số địa phương, trong đó có rượu làng Tân Độ. Trước mắt, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tập huấn cho người dân về vệ sinh ATTP, đồng thời hướng dẫn các hộ quy hoạch, xây dựng khu sản xuất cách xa khu chăn nuôi, đăng ký sản xuất, đăng ký tem nhãn để khẳng định thương hiệu rượu của mình”.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, sau vụ ngộ độc xảy ra, UBND huyện đã thành lập 8 tổ công tác kiểm tra chất lượng rượu của các hộ. Qua đó, xác định được trên địa bàn có hơn 538 hộ sản xuất rượu thủ công, tập trung chủ yếu ở xã Hồng Hà và Hạ Mỗ với hơn 300 hộ. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, đến nay đã có kết quả xác định rượu của các hộ âm tính với methanol. “Do trước đây, địa phương chưa thực hiện hướng dẫn thủ tục nên chưa có hộ sản xuất rượu thủ công hoàn thiện thủ tục xin đăng ký kinh doanh cũng như đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, dán tem, nhãn chất lượng sản phẩm. Để nâng cao kiến thức, kỹ năng trong sản xuất rượu, sau đợt kiểm tra, rà soát này, UBND huyện sẽ mời Sở Công Thương về tập huấn, hướng dẫn các hộ sản xuất rượu đảm bảo vệ sinh ATTP. Tiếp đó, tuyên truyền, vận động các hộ thiết kế, cải tạo khu vực sản xuất rượu, đồng thời hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép hoạt động, sản xuất. Nếu không chấp hành, sẽ xử lý nghiêm theo quy định” - ông Hoàng khẳng định. 
Ngày 8/4, theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 6 - 7/4, Hà Nội đã ghi nhận thêm 2 trường hợp bệnh nhân ngộ độc rượu có methanol. Bệnh nhân thứ nhất là Nguyễn Văn Khánh (41 tuổi, Đống Đa), có tiền sử nghiện rượu, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới trong tình trạng rất nặng. Bệnh nhân thứ hai là Bùi Duy Phương (50 tuổi, Ba Đình) hay uống rượu tại quán nước Hải Quyên (575 Kim Mã) và quán nước Bà Vịnh (1050 Đê La Thành), hiện bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê. Nhận định ban đầu của Sở Y tế, rượu mà hai bệnh nhân trên đã uống đều được nấu thủ công. (Hà Ngân) 

Tại Hà Nội, theo thống kê của Ban chỉ đạo ATVSTP TP, trong hơn một tháng qua, các ngành chức năng đã kiểm tra được 5.420 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, trong đó phát hiện 733 cơ sở vi phạm, xử phạt số tiền gần 1,3 tỷ đồng. Các đoàn cũng đã tiêu hủy 55.000 lít rượu không rõ nguồn gốc. Còn thông tin từ Sở Công Thương, hiện đơn vị này đang thu giữ 44.000 lít rượu chưa chứng minh được nguồn gốc chờ xử lý. Trong Tháng Hành động vì chất lượng VSATTP năm 2017 (15/4 - 15/5), Hà Nội tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử nghiêm các cơ sở vi phạm ATTP, trong đó chú trọng kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu thủ công. (Hải Lý)