Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều ý kiến tâm huyết góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong quá trình xây dựng chính sách, soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thu hút được sự quan tâm của các cấp, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học và Nhân dân, tham gia đóng góp các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm xây dựng dự thảo Luật.

Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn thông tin tại hội nghị giao ban công tác tư pháp 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2023, diễn ra ngày 9/10.

Nhiều hoạt động tuyên truyền xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)

Theo Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn, Sở đã tham mưu TP phối hợp với Bộ Tư pháp để xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo đó, sau khi tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ tháng 3/2023, UBND TP Hà Nội và Bộ Tư pháp đã thành lập Tổ công tác nghiên cứu, soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và ban hành kế hoạch tổ chức nghiên cứu, xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Tổ nghiên cứu, soạn thảo Luật đã xây dựng dự thảo Luật để bước đầu thể chế hóa các chính sách được phê duyệt, nhằm kịp thời chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu phục vụ Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật.

Theo Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được đánh giá cao
Theo Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được đánh giá cao

Cùng với đó, Sở Tư pháp tham mưu UBND TP phối hợp với Bộ Tư pháp làm việc với các Bộ, ngành, tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập để lấy ý kiến vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); tổ chức các cuộc họp với sự tham gia của các sở, ngành TP, các chuyên gia, nhà khoa học để tập trung hoàn thiện, chỉnh lý đối với từng nội dung, điều khoản quy định cụ thể của dự thảo Luật.

Ngày 14/8/2023, Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Sau thẩm định, UBND TP Hà Nội đã phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình Chính phủ. Dự thảo Luật được Chính phủ đánh giá cao và đã được thông qua; đồng thời Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp và UBND TP Hà Nội tiếp tục phối hợp hoàn thiện hồ sơ, chỉnh lý một số nội dung của Dự Luật. Đến nay, hồ sơ dự án Luật đã được Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bên cạnh việc tham mưu triển khai xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Sở Tư pháp cũng tham mưu UBND TP ban hành, tổ chức triển khai kế hoạch thông tin, tuyên truyền về xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều hoạt động trên phát thanh truyền hình, tin bài trên các báo Trung ương và TP trong quá trình xây dựng chính sách, soạn thảo Luật nhằm tạo sự đồng thuận của các cấp, ngành và Nhân dân, thu hút sự quan tâm, tham gia vào cuộc để đóng góp xây dựng dự thảo Luật.

Chất lượng ban hành văn bản ngày càng được đảm bảo, thống nhất

Theo Sở Tư pháp Hà Nội, về công tác xây dựng, thẩm định, góp ý và kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), tính đến 14/9/2023, HĐND TP Hà Nội đã ban hành 10 nghị quyết quy phạm pháp luật, UBND TP đã ban hành 21 quyết định quy phạm pháp luật, các văn bản TP ban hành được Sở Tư pháp thẩm định trước khi các sở, ngành trình.

Các nội dung báo cáo thẩm định, góp ý của Sở Tư pháp tập trung vào các vấn đề theo quy định của Luật bàn hành văn bản như: đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản; tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật; sự phù hợp của nội dung dự thảo với các quy định trong văn bản đã giao cho HĐND, UBND TP quy định chi tiết,…

Liên quan công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Sở đã triển khai hoạt động cung cấp thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử tuyên truyền, phổ biến pháp luật TP Hà Nội. Đăng tải 121 bài giải đáp và thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên mục Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Triển khai kế hoạch xây dựng và phát sóng các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sở đã tổ chức 11 cuộc tập huấn hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đối tượng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP Hà Nội.

Ngoài ra, công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL tại các quận, huyện, thị xã thường xuyên được Sở đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra; chất lượng ban hành VBQPPL ngày càng được đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống VBQPPL giữa cấp huyện với thành phố và trung ương…