Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Niềm vui nhà mới

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, 56 hộ gia đình với 271 nhân khẩu ở vùng Bắc Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, có niềm vui nhận nhà mới.

Theo đó, sau trận lở đất khủng khiếp ở vùng Bắc Hướng Hóa, nhiều gia đình đã mất nhà cửa. Đây là lúc Tập đoàn Sơn Hải, với sự giúp đỡ của chính quyền tỉnh, đã đầu tư hơn 33 tỷ đồng xây dựng “Làng nghĩa tình Sơn Hải” với 56 ngôi nhà để tặng bà con. Điều đáng nói, những ngôi nhà xây dựng đẹp mắt, kiên cố bằng bê tông cốt thép rộng 56m2, hiện đại nhưng theo kiểu nhà sàn truyền thống của người vùng cao.

Những ai đã từng sống ở vùng cao, nhất là miền Trung và Tây Nguyên sẽ hiểu tại sao bà con thường thích ở trong nhà sàn: nó vừa chống ẩm ướt, thú dữ, vừa để ở vừa bảo vệ vật nuôi, nay là nơi có thể để xe máy, nông cụ…

Cả 56 ngôi nhà tình nghĩa đó nằm trên triền đồi sạch sẽ, không quá gần nhưng cũng không quá xa nhau, có trục đường chính.

Không chỉ vậy, Sơn Hải xây dựng cho làng một trường tiểu học, một trường mầm mon, khu nhà ở cho giáo viên, nhà sinh hoạt chung cho cộng đồng… Không dừng lại ở đó, tập đoàn này còn tặng cho mỗi nhà 1 con bò, 1 ti vi kèm mạng wiFi; hỗ trợ gạo ăn cho dân bản trong 3 năm đầu. Phía Sơn Hải cho biết, tổng số tiền để xây 2 trường, tặng bò và gạo cho bà con là 7 tỷ đồng.

Để thuận tiện hơn cho đời sống bà con, Tập đoàn Sơn Hải cũng xây luôn hệ thống giếng khoan, đường giao thông, đường dây điện phục vụ tương đối đầy đủ nhu cầu sinh hoạt của dân ở bản làng mới. Tập đoàn quy hoạch, cải tạo, phủ đất mùn hai khu vực ruộng lúa bậc thang có diện tích 7,59ha để dân bản có thể tự trồng lúa.

Có nghĩa là, khi lập làng mới cho bà con, Sơn Hải nghĩ chu đáo, từ cuộc sống hằng ngày, trước mắt và sinh kế lâu dài cho họ. Việc làm này có thể an dân, giúp dân có chỗ dựa để phát triển, thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Gần đây, nhiều địa phương ở vùng cao bị lũ, đất đai sụt lở, khiến nhiều gia đình mất cả nhà cửa. Chính quyền địa phương những nơi đó đang tìm cách khắc phục, trong đó có việc tìm nơi chỗ ở mới cho bà con, giúp bà con có nhà mới và đất canh tác mới.

Qua câu chuyện của Sơn Hải, chúng ta có thể thấy rằng, khi các DN kinh doanh - sản xuất giỏi lại có tấm lòng từ thiện sẽ có thể giúp đỡ được những người dân vùng thiên tai, bão lũ. Đặc biệt, sự giúp đỡ tận tình như Sơn Hải, lo toàn diện cho người dân, sẽ là tấm gương, động lực cho nhiều DN khác noi theo. Khi đó, ở vùng cao sẽ có thêm nhiều làng tình nghĩa, như “Làng  nghĩa tình” ở Quảng Trị đã có.

Trên thực tế, mỗi DN có cách hướng về cộng đồng khác nhau. Cũng có DN chi số tiền nhiều hơn rất nhiều lần mà Sơn Hải đã chi. Đó là điều xã hội và người dân luôn ghi nhận. Nhưng mỗi niềm vui lại mang mỗi vẻ khác nhau.

Biết đâu, sau “Làng nghĩa tình Sơn Hải”, vùng cao, vùng khó khăn khác lại xuất hiện những làng tương tự, câu chuyện tình nghĩa tương tự?