Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Nín thở” chờ số liệu GDP, chứng khoán Mỹ trái chiều

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite tiếp tục lập kỷ lục mới, trong khi Dow Jones sụt gần 100 điểm trong phiên ngày 24/1 trước khi đón nhận báo cáo GDP quý 4/2023.

Thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều phiên ngày thứ Tư trong bối cảnh nhà đầu tư vẫn thận trọng chờ dữ liệu kinh tế dự kiến được công bố vào ngày thứ Năm.

Chứng khoán Mỹ diễn biến ngược chiều trong phiên ngày 24/1. Ảnh: CNBC
Chứng khoán Mỹ diễn biến ngược chiều trong phiên ngày 24/1. Ảnh: CNBC

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 cộng 0,08% lên mức 4.868,55 điểm, thiết lập kỷ lục mói. Chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng 0,36% lên 15.481,92 điểm, nhờ lực đẩy của nhóm cổ phiếu công nghệ. Đây là phiên tăng thứ 5 liên tiếp của cả 2 chỉ số này.

Trong khi đó, chỉ số Dow Jones giảm 99,06 điểm (tương đương 0,26%) về còn 37.806.39 điểm, do chịu áp lực từ đà lao dốc hơn 2% của cổ phiếu Verizon và 3M sau khi 2 công ty công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2023 thấp hơn kỳ vọng.

Cổ phiếu Netflix leo dốc hơn 10% sau khi công ty phát trực tuyến này cho biết tổng số người đăng ký dịch vụ đã lên mức cao nhất mọi thời đại là 260,8 triệu. Đồng thời, doanh thu và lợi nhuận của Netflix cũng vượt dự báo của giới phân tích.

Chiến lược gia cấp cao Charlie Ripley tại Allianz Investment Management, nhận định với đài CNBC: “Các báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất là những tín hiệu tích cực. Trước đó, nhà đầu tư đã đánh giá cơ hội và rủi ro trên thị trường là tương đối cân bằng, thậm chí có những người nghiêng về rủi ro nhiều hơn vì tăng trưởng kinh tế đang giảm tốc”.

Trong một diễn biến khác, cổ phiếu Microsoft tăng gần 1%, giúp vốn hóa của “ông lớn” công nghệ này lần đầu tiên vượt ngưỡng 3.000 tỷ USD. Trong khi đó, cổ phiếu Meta (Facebook) cũng nhích 1,4%, đưa vốn hóa trở lại mốc 1.000 tỷ USD.

Đà tăng mạnh của Microsoft và Meta cho thấy cổ phiếu của các công ty công nghệ vốn hóa lớn (Big Tech) vẫn tiếp tục khởi sắc trong năm 2024, đồng thời giúp kéo S&P 500 lên mức kỷ lục.

Nhóm cổ phiếu viễn thông và công nghệ lần lượt tăng 1,2% và 0,8% khi đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Tư. 

Trong tuần này, báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn là tâm điểm của giới đầu tư trên sàn Phố Walll, với Tesla, Las Vegas Sands và IBM dự kiến công bố sau phiên ngày 24/1.

Theo FactSet, trong số hơn 16% số công ty thuộc chỉ số S&P 500 đã báo cáo tài chính hàng quý trong mùa báo cáo lợi nhuận có hơn 71% số công ty này có kết quả vượt kỳ vọng của thị trường.

“Thị trường cổ phiếu vẫn duy trì tâm lý hứng khởi. Yếu tố chính chi phối thị trường trong thời điểm hiện tại là phản ứng của nhà đầu tư với các báo cáo tài chính trong quý 4/2023” - nhà sáng lập Lary Tentarelli của trang tin Blue Chip Daily Trend Report nói với CNBC.

Trong ngày thứ 25/1, các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến báo cáo tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 4/2023 đến từ Bộ Thương mại Mỹ.

Số liệu kinh tế Mỹ công bố ngày 24/1 cũng mang đến thêm sự lạc quan cho nhà đầu tư. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp  trong tháng 1/2024 của S&P Global cho thấy hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng.

Tuy nhiên, Ngân hàng Bank of America hôm 24/1 cho biết, tâm lý người tiêu dùng Mỹ vẫn phục hồi yếu ớt.

Theo báo cáo của Bank of America, dữ liệu tâm lý người tiêu dùng sơ bộ trong tháng 1/2024 cho thấy niềm tin vào nền kinh tế tăng nhẹ, nhưng vẫn chưa phục hồi về mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Theo chuyên gia Jeseo Park của Bank of America, chỉ số Khốn khổ (Misery Index) và tâm lý người tiêu dùng không có mối tương quan chặt chẽ như trước đây. Chỉ số khốn khổ dùng để đánh giá mức độ khổ trong cuộc sống của người dân tại các quốc gia trên cơ sở phép tính tổng tỉ lệ thất nghiệp, lãi suất cho vay và lạm phát trên tăng trưởng GDP đầu người trong năm. Chỉ số này càng cao thì mức độ khốn khổ của người dân ở quốc gia đó càng lớn.