Đầu tháng 9 vừa qua, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn chính thức được thông xe. Cây cầu đi vào hoạt động nhằm cải thiện điều kiện, đảm bảo an toàn giao thông, kết nối hai bờ sông Hồng; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng các quận: Hai Bà Trưng, Long Biên nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung; tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi đô thị phía Bắc Thủ đô; từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch.
Thế nhưng, chỉ ít ngày sau khi cây cầu hiện đại bậc nhất Thủ đô được đưa vào khai thác, nơi đây trở nên lộn xộn khi phương tiện không tuân thủ theo biển báo giao thông trên cầu.
Ghi nhận của phóng viên, xe máy nối đuôi nhau lao vun vút trong làn đường tốc độ cao chỉ dành riêng cho ô tô. Tình trạng xe máy di chuyển vào làn ô tô diễn ra phổ biến hơn vào giờ cao điểm. Nhiều người dân còn vô tư đi bộ lên cầu để đứng tập thể dục.
Nguy hiểm hơn, ở đầu cầu, nối rẽ đi đê Nguyễn Khoái trở thành điểm nóng về xe phương tiện đón trả khách.
Chỉ trong ít phút có mặt tại cầu Vĩnh Tuy, phóng viên Kinh tế và Đô thị ghi nhận được hàng loạt ô tô khách mang biển kiểm soát như: 34B – 039.39; 15F-007.93; 14F-002.78; 29f-039.99; 29B-507.96… dừng đỗ, đón, trả khách ngay trên cầu. Thậm chí, những chiếc xe này đang đi nhanh bỗng dừng đột ngột giữa cầu để hành khách lao xuống đường.
Ngay sau khi những chiếc xe khách này dừng lại, nhiều người làm nghề xe ôm đã đừng chờ từ trước quây lại, chèo kéo, mời gọi, có người lại nhanh chân, nhanh tay bốc, xếp hành hóa… tạo nên một khung cảnh hỗn loạn trên cầu Vĩnh Tuy.
Những chiếc xe khách nối đuôi nhau, dừng xe, trả khách, trả hàng trên cầu không chỉ gây mất an ninh trật tự, ùn tắc mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Anh Hoàng Văn Mạnh, trú tại quận Long Biên, Hà Nội cho biết: “Tôi hàng ngày đi làm qua cầu Vĩnh Tuy, tình trạng xe máy đi vào làn ô tô diễn ra thường xuyên. Nhiều hôm tôi giật mình đánh lái khi thấy đoàn xe máy nối đuôi nhau lao vun vút trong làn tốc độ cao dành riêng cho ô tô”.
Anh Mạnh cho rằng đa số người dân cố tình đi vào làn ô tô để được đi nhanh hơn. Ngay đầu cầu biển báo to, rõ ràng cũng như giữa làn ô tô và xe máy đã được bố trí dải phân cách cứng.
Chị Hà Thị Nga, trú tại quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ: “Có hôm tôi đang đi bỗng chiếc xe khách dừng lại giữa đường rồi có người lao từ trên xe xuống khiến tôi không khỏi giật mình. Nhiều thời điểm, những chiếc xe nay đứng cả nửa tiếng trên cầu để đón, trả khách”.
Theo chị Nga, tình trạng phương tiện đón, trả khách trên cầu Vĩnh Tuy đã diễn ra suốt một thời gian dài tuy nhiên vẫn chưa được lực lượng chức năng cũng như chính quyền địa phương xử lý triệt để khiến nhiều người dân thường xuyên di chuyển qua cây cầu này trở nên bất an, lo lắng.
Báo Kinh tế và Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này!