Ông Erdogan muốn ưu tiên F-16 hơn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan cho đến nay vẫn chưa đồng ý tư cách thành viên của Thụy Điển, trong khi đã cho phép Phần Lan gia nhập NATO.

Các nước phương Tây đang gia tăng áp lực buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải kết nạp Thụy Điển vào NATO, khi Stockholm thực hiện nỗ lực cuối cùng để vượt qua sự phản đối của Ankara về tư cách thành viên.

Qua trao đổi với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/5,  Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: “Ông ấy vẫn muốn nghiên cứu những chiếc F16 [máy bay chiến đấu],” Biden nói. “Tôi đã nói chúng tôi muốn có một thỏa thuận với Thụy Điển, vì vậy hãy thực hiện điều đó.”

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters

Thổ Nhĩ Kỳ đang hy vọng đạt được thỏa thuận với Mỹ để mua máy bay chiến đấu F-16 trị giá hàng tỷ USD, nhưng thỏa thuận này đang bị Quốc hội tạm ngừng. Chính quyền Tổng thống Biden đã phê duyệt gói nâng cấp F-16 trị giá 259 triệu USD vào tháng 4, ngay sau khi Ankara đồng ý cho phép Phần Lan gia nhập NATO.

Soner Cagaptay, giám đốc chương trình nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông, đã dự đoán về chính sách bên "miệng hố" chiến tranh từ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, người có đường lối cứng rắn đối với người Kurd - điểm trọng tâm trong nỗ lực tái tranh cử. 

“Quốc hội cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ nên thực hiện bước đầu tiên và bật đèn xanh cho Thụy Điển. [Tổng thống] Erdogan sẽ nói: "Không, tôi muốn Quốc hội thực hiện bước đầu tiên và bật đèn xanh cho những chiếc F-16 và sau đó là những việc khác," chuyên gia này nhận định.

Theo ông Ulf Kristersson, thủ tướng Thụy Điển: Chỉ [Tổng thống Nga] Vladimir Putin được lợi nếu Thụy Điển còn lại bên ngoài NATO. Ảnh: EPA
Theo ông Ulf Kristersson, thủ tướng Thụy Điển: Chỉ [Tổng thống Nga] Vladimir Putin được lợi nếu Thụy Điển còn lại bên ngoài NATO. Ảnh: EPA

Một quan chức cấp cao của Thụy Điển cho biết: “Luật chống khủng bố mới hiệu lực là niềm hy vọng lớn của chúng tôi để giải quyết tình hình. Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ra quyết định.”

Trao đổi với Financial Times, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson, cho rằng luật chống khủng bố mới có hiệu lực hôm 1/6 sẽ đóng góp “nỗ lực cuối cùng” nhằm đảm bảo sự ủng hộ của Ankara đối với việc gia nhập liên minh quân sự. 

Yêu cầu gia nhập NATO của Thụy Điển vào năm ngoái sau chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine cho thấy biến chuyển lịch sử từ hơn hai thế kỷ duy trì quan điểm trung lập của Stockholm.

Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho đến nay vẫn chưa đồng ý tư cách thành viên của Thụy Điển, trong khi đã cho phép Phần Lan gia nhập NATO, cho rằng Stockholm cần phải làm nhiều hơn để chống khủng bố.

Sự bế tắc đã dẫn đến sự rạn nứt giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh NATO, vào thời điểm liên minh này đang cố gắng thể hiện sự thống nhất trước chiến sự tại Ukraine. Đồng thời cũng đặt ra câu hỏi về chính sách mở cửa của NATO đối với các thành viên mới.

Trong khi Mỹ và các đồng minh NATO khác có thể hiểu mong muốn của ông Erdogan nhằm củng cố chương trình nghị sự trước cuộc bầu cử tổng thống ở Thổ Nhĩ Kỳ - kết thúc cuối tuần qua, thì giờ đây tăng cường nỗ lực thuyết phục ông Erdogan. 

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 30/5 cho biết Thụy Điển "hoàn toàn có thể" gia nhập Nato trước hội nghị thượng đỉnh Vilnius của liên minh vào ngày 11/7. Trên mạng xã hội Twitter, ông Stoltenberg cho biết đã có một điện đàm "hiệu quả” với ông Erdogan hôm 30/5, trong đó hai người đã thảo luận về việc “hoàn tất việc Thụy Điển gia nhập NATO”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến thăm Thụy Điển hôm 30/5 trước khi tham dự cuộc họp của NATO. “Bây giờ là lúc để tiến lên phía trước, chúng tôi muốn thấy điều đó xảy ra trước hội nghị thượng đỉnh Vilnius,” ông nói.

Các quốc gia NATO khác đã kêu gọi Erdogan ủng hộ tư cách thành viên của Thụy Điển, cho rằng điều này trở nên quan trọng đối với an ninh ở các khu vực Bắc Âu và Baltic kể từ khi chiến sự tại Ukraine nổ ra.