Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phân cấp và thực thi

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để thay một cái bóng đèn hỏng mà phải đề nghị từ tổ dân phố lên phường, lên quận, rồi quận mới đề nghị lên Sở, sau đó mới giao cho đơn vị quản lý thay thế.

Có khi chỉ cái bóng đèn mà có nơi mấy tháng không thay được, bởi hệ thống chiếu sáng ấy không được phân cấp cho cơ sở. Câu chuyện ấy vừa được nêu ra trong cuộc họp của TP. Và cũng đã từng được đề cập đến trong vấn đề phân cấp quản lý kinh tế - xã hội và thực thi trong thực tế.
 Người dân tham khảo đăng ký qua mạng tại bộ phận một cửa quận Bắc Từ Liêm.  Ảnh:  Hải Linh
Những năm gần đây, Hà Nội đã tăng cường phân cấp trách nhiệm, quyền hạn của cấp chính quyền. Những thay đổi trong phân cấp quản lý hạ tầng, kinh tế - xã hội tại Hà Nội cũng đã tiếp cận nguyên tắc đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần khi đề cập đến vấn đề này, “cấp nào làm tốt hơn thì phân cấp cho cấp đó thực hiện”. Đã ít nhiều tránh được tình trạng địa phương “mặc chiếc áo quá rộng” hay sở ngành ôm đồm quá nhiều việc. Nhiều lĩnh vực địa phương thực hiện được, TP đã phân cấp, ngược lại, những việc cần sự đồng bộ, thống nhất, TP quản lý. Như câu chuyện vỉa hè, TP đã giao cho cấp quận, huyện quản lý toàn bộ vỉa hè. Việc này được lý giải phù hợp với yêu cầu, khả năng, năng lực quản lý của các quận, huyện. Và quan trọng hơn là để đảm bảo tính kịp thời, nhanh chóng thuận tiện trong duy tu, sửa chữa thường xuyên. Hay trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, TP cũng đã có sự điều chỉnh, TP chỉ quản vệ sinh môi trường đường cao tốc, còn lại giao cho địa phương quản lý, duy trì toàn bộ phạm vi địa giới hành chính…

Đồng thời, TP cũng đã có những quy định về kỷ cương, kỷ luật; về tăng cường “5 rõ” trong chỉ đạo điều hành (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả) tạo ra những thay đổi đáng kể trong cách điều hành và giải quyết công việc, tăng sự chủ động của cơ sở. Nhiều sáng kiến, sáng tạo trong quản lý, điều hành đã được các địa phương triển khai, mang lại hiệu quả thực tế, giải quyết các vấn đề phát sinh trên địa bàn.

Có thể nói, những năm qua, việc thực hiện phân cấp quản lý cũng như phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Hà Nội được thực hiện khá bài bản. Tuy nhiên, thực tế thực thi trong thực tế vẫn còn bộc lộ những bất cập. Nhiều nhiệm vụ được phân cấp, địa phương, đơn vị chưa thực hiện hết trách nhiệm, dẫn đến những bức xúc nảy sinh. Và thực tế, vẫn còn những lĩnh vực cần sự phân cấp triệt để hơn nữa. Như câu chuyện bóng đèn hỏng ở trên, địa phương đã đề nghị TP phân cấp cho quận, huyện về chiếu sáng tại các ngõ, ngách. Để việc thực thi được sát thực tế hơn.

Những thay đổi về phân cấp, tăng cường trách nhiệm quản lý của Hà Nội đã nhận được nhiều sự đồng tình. Nhưng để có kết quả tốt hơn nữa, nhiều ý kiến cho rằng, TP phải có những giải pháp căn cơ, sát với thực tiễn hơn trên nguyên tắc bảo đảm tính đồng bộ giữa phân cấp kinh tế - xã hội và phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tăng tính chủ động cho cơ sở, nhưng phải đảm bảo gắn với trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương. Và sự phân cấp quản lý dù thế nào cũng để phục vụ tính đồng bộ, thuận lợi trong thực thi, quản lý và phục vụ tốt hơn đời sống người dân. Nên tránh tình trạng đã từng xảy ra là phân cấp nửa vời, phân việc không phân kinh phí; hay phân cấp nhưng không đi kèm trách nhiệm. Dẫn đến thực tế vẫn có những câu chuyện địa phương phải “xin” được làm những việc trong tầm tay, hoặc việc của địa phương nhưng TP lại phải vào cuộc giải quyết.