Thông tin tại họp báo, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết, sáng 10/5, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, để thảo luận, cho ý kiến đối với kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo đến nay; Kế hoạch kiểm tra chuyên đề năm 2023 của Ban Chỉ đạo; Kế hoạch tổ chức Hội nghị sơ kết 01 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.
Đã thi hành kỷ luật hơn 100 tổ chức đảng, hơn 3.600 đảng viên
Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết, kết quả từ sau phiên họp thứ 23 (tháng 1/2023) đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến mới, tích cực, đồng bộ, hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương. Các cấp uỷ đảng, cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nhiều vụ án, vụ việc; xử lý cả các hành vi tham nhũng và các hành vi tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.099 vụ, 2.411 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; khởi tố mới 242 vụ án, 864 bị can về tội tham nhũng (tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 4 vụ án, 24 bị can, khởi tố thêm 78 bị can trong 11 vụ án; xét xử sơ thẩm 6 vụ án, 51 bị cáo.
Đồng thời, chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh, mở rộng điều tra, khởi tố mới nhiều bị can trong nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, phức tạp, có tính hệ thống, có tổ chức, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, cả trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân, như các vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm Đăng kiểm một số địa phương; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan; vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan; các vụ án liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; các vụ án, vụ việc liên quan đến Công ty AIC và các đơn vị liên quan.
Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh từng bước đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở có nhiều chuyển biến rõ rệt, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Từ đầu năm đến nay, cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 100 tổ chức đảng, hơn 3.600 đảng viên. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý kỷ luật 12 tổ chức đảng, 26 cán bộ cấp Giám đốc Sở và tương đương trở lên, trong đó có 1 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 3 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, 2 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Các cơ quan chức năng qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đã chuyển 137 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 232 tập thể và 1.146 cá nhân.
Thống nhất chủ trương phân hóa các đối tượng liên quan vụ đăng kiểm để xử lý
Tại cuộc họp báo, trả lời nội dung liên quan đến vụ án đăng kiểm, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên đã nêu rõ các vi phạm, sai phạm là có thật và liên quan trực tiếp đến Cục Đăng kiểm của Bộ Giao thông vận tải. Hành vi vi phạm, sai phạm có tổ chức, kéo dài nhiều năm, liên quan đến nhiều người, nhiều cấp độ khác nhau. Giá trị tiêu cực ở đây tính bằng tiền không lớn nhưng hậu quả để lại cho xã hội vô cùng lớn.
“Hậu quả để lại cho xã hội rất nặng nề. Nên phải đồng thuận việc có sai, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng phải xử lý. Nhưng xử lý như thế nào để không ảnh hưởng đến đăng kiểm cho phương tiện giao thông của tổ chức, người dân và không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường trong lưu thông, phát triển kinh tế - xã hội"-ông Nguyễn Văn Yên nêu rõ.
Đồng thời cho biết, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thống nhất chủ trương giao các cơ quan chức năng bàn bạc, có giải pháp xử lý phù hợp nhất. Cụ thể, thống nhất chủ trương phân hoá xử lý các đối tượng có liên quan trong các vụ án để có cơ chế phân hoá, phân loại xử lý thống nhất, đồng bộ, áp dụng trên toàn quốc. Bảo đảm người cần xử lý thì phải xử, người chưa đến mức xử lý hình sự thì phân hoá bằng biện pháp khác.
Tạo điều kiện để các kiểm định viên - những người làm công hưởng lương, phụ thuộc, không chủ động, không cố ý để hưởng lợi, tạo điều kiện để lực lượng này thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm.
Thường trực Ban Chỉ đạo đã giao các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và Viện Kiểm sát nhân dân là cơ quan chủ trì, nghiên cứu, tham mưu ban hành cơ chế này. “Về nguyên tắc, có tội thì phải xử lý. Sai đến đâu xử lý đến đó, nhưng có cơ chế phân hóa để sớm xử lý thỏa đáng, ổn định tình hình” - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết