Phát triển du lịch trong xây dựng nông thôn mới: Hướng tới hiệu quả, thực chất

Trọng Tùng thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới: Hướng tới hiệu quả, thực chất là nội dung xuyên suốt trong buổi trò chuyện của Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Trần Nhật Lam với Phóng viên Kinh tế & Đô thị.

Ông Trần Nhật Lam - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương.
Ông Trần Nhật Lam - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương.

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, hướng đến nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Trần Nhật Lam xung quanh câu chuyện này.

Tích hợp đa giá trị

Ông đánh giá như thế nào về hiện trạng phát triển du lịch nông thôn hiện nay trên địa bàn cả nước?

- Hiện nay, du lịch nông thôn vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu của lĩnh vực kinh tế du lịch. Tại một số tỉnh, TP, du lịch nông thôn đã và đang phát triển khá tốt như: Miền núi phía Bắc (Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái), Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông), Miền Trung (Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định), Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ… Dù vậy, quy mô các điểm du lịch nông thôn chưa phải là lớn; các điều kiện thu hút du lịch cũng còn hạn chế.

Các mô hình du lịch nông thôn còn mang tính thời vụ, hoạt động đơn lẻ, chưa có sự gắn kết cũng như chưa tích hợp được đa giá trị. Du lịch nông thôn chưa phải là lĩnh vực được các tỉnh, TP đưa vào nội dung phát triển trọng tâm, và thực tế chỉ xuất hiện tự phát tại một số địa phương. Đó là chưa kể nhiều vấn đề bất cập, hạn chế hiện nay về cơ chế, nguồn lực, hay hoạt động quảng bá nhìn chung còn thiếu bài bản…

Để thúc đẩy Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Ông có thể cho biết Trung ương đang kỳ vọng điều gì từ chủ trương trên?

- Việc triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã mang lại những kết quả tích cực, giúp thay đổi diện mạo và phát triển kinh tế nông thôn. Dù vậy, việc kết nối giữa thành tựu nông thôn mới - sản phẩm OCOP và du lịch nông thôn như thế nào thì chưa được quan tâm đúng mức.

Chương trình Phát triển du lịch nông thôn được Thủ tướng Chính phủ ban hành với kỳ vọng thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, phù hợp với nhu cầu thị trường; tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững. Từ đó, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới, đưa xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu và thực chất hơn.

Thành quả xây dựng nông thôn mới là tiền đề quan trọng để phát triển du lịch nông thôn. Trong ảnh. Một góc làng quê tại xã Song Phượng, huyện Đan Phượng (TP Hà Nội). Ảnh: Lâm Nguyễn
Thành quả xây dựng nông thôn mới là tiền đề quan trọng để phát triển du lịch nông thôn. Trong ảnh. Một góc làng quê tại xã Song Phượng, huyện Đan Phượng (TP Hà Nội). Ảnh: Lâm Nguyễn

Xây dựng mô hình điểm để đánh giá, nhân rộng

Việc tổ chức triển khai Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đang được thực hiện ra sao, thưa ông?

- Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Bộ NN&PTNT đã phối hợp cùng Bộ VHTT&DL nghiên cứu, dự thảo kế hoạch để triển khai. Vừa qua, liên Bộ NN&PTNT - VHTT&DL đã tổ chức hội nghị xin ý kiến đóng góp của đại diện các bộ ngành, địa phương và các thành phần kinh tế.

 

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang phối hợp cùng các bộ ngành liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu; hỗ trợ số hóa các điểm đến và xây dựng bản đồ số kết nối mạng lưới điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, nghiên cứu thí điểm xây dựng và vận hành chương trình thực tế ảo về du lịch nông nghiệp, nông thôn… 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam

Trên cơ sở rà soát các quy định hiện hành, ngày 12/10/2022, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 Lê Minh Hoan đã ký Quyết định số 05/QĐ-BCĐTW-VPĐPNTM ban hành kế hoạch triển khai Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Đây là sự cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về phát triển kinh tế nông thôn, làm cơ sở để hướng dẫn tổ chức thực hiện Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tương Chính phủ có hiệu quả, thực chất, đi vào chiều sâu và phát huy được những tiềm năng, lợi thế của từng vùng miền, địa phương.

Thời gian tới, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương sẽ tập trung vào những nhóm nhiệm vụ, giải pháp nào, thưa ông?

- Thời gian tới, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương sẽ tham mưu Bộ NN&PTNT và các bộ ngành hoàn thiện văn bản hướng dẫn triển khai Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, trên cơ sở kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 05/QĐ-BCĐTW-VPĐPNTM, các bộ ngành và 63 tỉnh, TP sẽ phải xây dựng kế hoạch cụ thể của riêng mình để tổ chức triển khai phù hợp với thực tiễn.

Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cũng sẽ xây dựng và hoàn thiện Bộ tiêu chí về du lịch nông nghiệp, nông thôn; đồng thời, hỗ trợ xây dựng điểm một số mô hình, làm cơ sở đánh giá hiệu quả để nhân rộng. Cách làm này cũng giống như khi bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới vào năm 2009. Khi đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã lựa chọn 11 xã điểm của cả nước để hỗ trợ đầu tư, nâng cấp các tiêu chí nông thôn mới; từ đó, tổng kết, đánh giá để hoàn thiện cơ chế, chính sách và nhân rộng ra địa bàn cả nước.

Nhận thức phải đi vào chiều sâu

Thực tế, câu chuyện phát triển du lịch nông thôn không phải là chuyện có thể hoàn thành trong “một sớm một chiều”. Cơ chế, chính sách thôi có lẽ chưa đủ để đạt mục tiêu mong đợi nếu thiếu sự tham gia của cộng đồng?

- Chính xác là như vậy. Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tiềm năng, vai trò, yêu cầu trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cho cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức kinh tế và đặc biệt là cộng đồng được xem là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Tư duy, nhận thức đó phải đi vào chiều sâu, bởi du lịch nông thôn không phải là việc xây dựng cho được một ngôi nhà, chỉnh trang sạch đẹp một tuyến đường là xong.

Hiện, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đang nghiên cứu, xây dựng tài liệu đào tạo, tập huấn về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn các bộ ngành cùng vào cuộc, tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn chuyên sâu kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về các khía cạnh nhằm nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực cho mục tiêu phát triển lĩnh vực du lịch nông thôn.

Đối với việc thực hiện Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngoài Bộ NN&PTNT, vai trò của các bộ ngành, địa phương khác ra sao, thưa ông?

- Nhiệm vụ của các bộ ngành, địa phương đã được đề cập rất rõ trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi muốn nhấn mạnh vai trò quan trọng của một số đơn vị, đặc biệt là Bộ VHTT&DL trong việc hướng dẫn các địa phương xây dựng những điểm đến du lịch; tổ chức các diễn đàn quảng bá, xúc tiến thương mại để từng bước hình thành mạng lưới kết nối cung - cầu về du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với khẩn trương xây dựng và ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai Chương trình Phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2021 - 2025, UBND các tỉnh, TP cần chủ động bố trí nguồn lực từ các chương trình, đề án để xây dựng những mô hình thí điểm chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, nghiên cứu thí điểm một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn phù hợp với thực tiễn và điều kiện của địa phương.

Xin cảm ơn ông!

 

Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Mỗi tỉnh, TP có ít nhất một điểm du lịch nông thôn; 50% số cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dich điện tử trong hoạt động du lịch. Mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng xây dựng được ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù; đồng thời, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn quốc...