Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển làng nghề: Chia sẻ nguồn hàng, tiết giảm chi phí

Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Vũ Quốc Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để phát triển làng nghề, ngoài sự hỗ trợ của các nguồn vốn khuyến công, khuyến nông, các cơ sở sản xuất cần tăng cường liên kết để chia sẻ nguồn hàng, tạo đầu ra ổn định và phát triển quy mô sản xuất.

Liên kết để tăng giá trị

Làng nghề nước ta hiện đang bao gồm nhiều loại hình cơ sở sản xuất kinh doanh, song chủ yếu là hộ kinh doanh, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, hiệu quả kinh tế còn thấp.

Sản phẩm mây tre đan xuất khẩu ở làng nghề Phú Túc, huyện Phú Xuyên. Ảnh Trần Việt 
Sản phẩm mây tre đan xuất khẩu ở làng nghề Phú Túc, huyện Phú Xuyên. Ảnh Trần Việt 

Trong tổng số 230.361 cơ sở sản xuất, kinh doanh thì có tới 227.640 cơ sở quy mô hộ gia đình (chiếm tới 98,82%), 1.994 DN (0,87%), còn lại là 356 hợp tác xã (0,15%) và 371 tổ hợp tác (0,16%). Hình thức sản xuất và tự tiêu thụ chiếm tới 81,53% tổng số cơ sở; gia công sản phẩm cho đơn vị khác chiếm tỷ lệ 14,71%...

Thu nhập của lao động làng nghề nhìn chung vẫn còn thấp, chỉ đạt bình quân 4,3 triệu đồng/người/tháng. Đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng lao động khu vực làng nghề cơ giảm, đặc biệt là lao động trẻ rời quê đi tìm việc làm ở các đô thị có thu nhập cao hơn.

Qua đó có thể thấy một thực trạng đáng ngại của làng nghề Việt Nam. Trong làng nghề, các tổ chức liên kết còn hạn chế, do vậy sản phẩm cung cấp thị trường manh mún cả về số lượng và chất lượng. Tỷ trọng sản phẩm làng nghề được sản xuất, phân phối tiêu thụ qua chuỗi giá trị còn thấp, cho nên không thể tham gia vào hệ thống chuỗi cung ứng tại một số siêu thị trong nước hoặc phục vụ xuất khẩu khi có đơn hàng lớn…

Nhìn rộng ra toàn nền kinh tế nước ta ngày nay, thực tiễn đã cho thấy yêu cầu liên kết đang rất rộng, bao trùm từ cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng đến công nghệ sản xuất, quản trị kinh doanh, đến tiêu thụ sản phẩm và hoạt động du lịch. Việc liên kết sẽ tạo ra nhiều lợi thế cho làng nghề. Trước hết, liên kết theo chuỗi giá trị, không chỉ nhằm bảo tồn những giá trị truyền thống của nghề thủ công, mà còn thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, phát huy truyền thống lên tầm cao mới. Do có sự gắn bó giữa các khâu trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, khi liên kết, mỗi cơ sở, mỗi nghệ nhân thấy rõ vị trí, trách nhiệm và không gian sáng tạo, liên kết của mình sẽ cố gắng phát huy tiềm năng trong liên kết, thực hiện chữ “tín” trong kinh doanh, củng cố sự gắn bó, hợp tác giữa các cơ sở, cùng chia sẻ nguồn hàng, tạo đầu ra ổn định.

Mặt khác, liên kết còn góp phần tổ chức lại cơ sở sản xuất kinh doanh làng nghề, bảo đảm bộ máy tinh gọn, nâng cao chất lượng của các công đoạn sản xuất cũng như trách nhiệm cá nhân trong mỗi khâu. Thúc đẩy việc ứng dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong các cơ sở sản xuất kinh doanh làng nghề, thực hiện “làng nghề xanh”, “làng nghề số” nay đã thành xu hướng tất yếu.

Tăng năng lực cho các mắt xích

Để tăng liên kết trong các làng nghề, việc nâng cao năng lực của các thành phần tham gia vào chuỗi rất quan trọng. Hiện nay, trong các làng nghề, hộ kinh doanh chiếm 98,82% tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh. Việc chuyển hộ kinh doanh lên hình thức DN là quy luật tất yếu để hình thành những DN đủ mạnh làm nền tảng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta trong hội nhập ngày nay.

Tuy nhiên, đang có nhiều lý do khác nhau dẫn tới tình trạng nhiều hộ kinh doanh không muốn chuyển thành DN, chủ yếu là do tránh thuế và ký hợp đồng lao động với người lao động. Hộ kinh doanh được đóng thuế khoán, còn nếu lên DN, phải lập sổ sách, hóa đơn chứng từ, hàng tháng phải tốn tiền thuê kế toán. Có những trường hợp, để làm thủ tục chuyển lên DN, hộ kinh doanh phải làm thủ tục tạm khóa mã số thuế, tạm ngưng kinh doanh, giải thể... Đó là chưa kể có một số hộ đủ điều kiện nhưng không chịu lên DN, vì ở mô hình hộ kinh doanh, họ còn có thể thương lượng để số thuế phải nộp ít hơn.

Trước tình hình này, các địa phương cần tạo sự thông thoáng, dễ dàng trong các thủ tục để thúc đẩy, hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo hình thức DN, như hỗ trợ toàn bộ các lệ phí do hộ kinh doanh phải nộp khi thực hiện đăng ký thành lập DN và các giấy phép kinh doanh có điều kiện lần đầu; hỗ trợ về thủ tục thuế, hỗ trợ tư vấn về đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho DN vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa…

Thời gian tới, cần chú trọng đẩy mạnh liên kết, chú trọng hình thành chuỗi giá trị gia tăng hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tập trung vào các nhóm mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, hợp chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường khác nhau, nhất là phân khúc thị trường trung và cao cấp.

Thực hiện liên kết trong sản xuất, kinh doanh là một yêu cầu có tính quy luật để bảo đảm hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đối với làng nghề, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị đang mang lại nhiều lợi ích rõ rệt cho cơ sở sản xuất kinh doanh. Vì vậy, cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội, trong đó có Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trong việc này, tạo thêm thuận lợi cho các cơ sở triển khai liên kết đạt hiệu quả cao.