Vụ cháy chợ ở huyện Sóc Sơn:

Phó Chủ tịch xã bị truy tố vì nhận tiền chênh lệch đấu thầu thiết bị

Kim Thạch (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến vụ cháy chợ ở huyện Sóc Sơn, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố ông Ngô Văn Giang (SN 1979, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn) và hai bị can khác về tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Hai người còn lại gồm: Phạm Đức Nam (SN 1972, trú huyện Sóc Sơn) và Nguyễn Văn Tươi (SN 1974, nhân viên Ban Quản lý chợ Sóc Sơn).

Cáo trạng xác định, sáng ngày 21/6/2018, tổ bảo vệ trực ca đêm của Ban quản lý (BQL) chợ loại II huyện Sóc Sơn, Hà Nội, trong đó có anh Ngô Quý Hiếu tiến hành mở cửa khu vực chợ chính và mở cầu giao cung cấp điện cho các ki ốt kinh doanh của tiểu thương.

Sau khi mở cửa, tổ bảo vệ tiến hành kiểm tra các dãy hàng thuộc khu vực bán hàng giày, dép. Không phát hiện dấu hiệu bất thường, những người này đi về phòng làm việc của BQL chợ.

Hiện trường vụ cháy chợ Sóc Sơn.
Hiện trường vụ cháy chợ Sóc Sơn.

Đến khoảng 5 giờ 55 phút, chị Trần Thị Chanh (người bán dừa) đến vỉa hè phía Tây khu chợ chính thì phát hiện tại ki ốt bán giày dép liền nhau số 52, 41, 34, thuộc dãy B2 của hộ bà Đinh Thị Hà và bên cạnh là ki ốt số 43 dãy B2 của chị Nguyễn Thị Kim Dung bị cháy.

Chị Chanh không thấy có người trong khu vực cháy nên hô hoán. Nghe tiếng hô, 2 nhân viên Đội Quản lý ngành hàng - BQL chợ Sóc Sơn đã thông báo cho anh Ngô Quý Hiếu ngắt cầu dao toàn bộ hệ thống điện của chợ Sóc Sơn và cùng một số tiểu thương sử dụng bình bọt (CO2) chữa cháy, dập lửa.

Anh Hiếu cũng đồng thời mở khóa buồng máy bơm nước chữa cháy cố định, tiến hành khởi động máy bơm nước để chữa cháy. Máy bơm nổ nhưng khi tăng ga thì lại tắt, không lên nước. Ngọn lửa lúc này cháy lan rộng sang các ki ốt xung quanh.

Do dùng bình chữa cháy và máy bơm chữa cháy di động (công suất nhỏ) không dập được lửa nên đám cháy đã bùng to, rồi cháy lan khắp khu vực chợ chính. Đến khoảng 7h45 cùng ngày, đám cháy được dập tắt hoàn toàn.

Hậu quả vụ cháy đã gây thiệt hại về tài sản của BQL chợ Sóc Sơn và tài sản của 176 tiểu thương kinh doanh trong chợ. Theo kết luận định giá tài sản, tổng giá trị tài sản bị thiệt hại là hơn 400 triệu đồng.

Viện Kiểm sát cáo buộc, quá trình chợ Sóc Sơn đi vào hoạt động, Ngô Văn Giang là Trưởng BQL chợ nhưng không thực hiện chức trách nhiệm vụ được phân công. Giang không thực hiện việc lập hồ sơ quản lý máy bơm chữa cháy cố định lắp tại chợ; thiếu kiểm tra, giám sát công tác phòng cháy, chữa cháy. Còn Phạm Đức Nam là Phó trưởng BQL chợ Sóc Sơn nhưng không thực hiện chức trách nhiệm vụ được phân công. Nam không thực hiện công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng cháy, chữa cháy.

Đối với Nguyễn Văn Tươi được phân công là Đội trưởng Đội bảo vệ, điện nước nhưng không thực hiện công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng cháy, chữa cháy… dẫn đến các đợt kiểm tra của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tại chợ Sóc Sơn đều phát hiện có nhiều vi phạm.

Ngày 5/6/2018, Đoàn kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy xác định, máy bơm chữa cháy cố định tại chợ Sóc Sơn khó nổ, hoạt động không hiệu quả. Quá trình điều tra về phần mua sắm trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy của BQL chợ loại II huyện Sóc Sơn, CQĐT nhận thấy, Ngô Văn Giang và Bùi Thị Ngọc Mai (kế toán BQL chợ loại II huyện Sóc Sơn) đã nhận 20 triệu đồng tiền chênh lệch khi mua gói thầu số 1 để chia nhau.

Cơ quan chức năng xác định, hành vi này có dấu hiệu phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tuy nhiên, hành vi của Giang và Mai có mức độ, số tiền chiếm đoạt đã chia cho nhiều người.

Sau khi bị phát hiện, cả hai và những người khác đã khắc phục số tiền trên để hoàn trả cho UBND huyện Sóc Sơn nên không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, CQĐT không xem xét xử lý hình sự đối với Giang và Mai về hành vi này.