Trong phiên này, chứng khoán Mỹ đã tăng hơn 2%, dẫn đầu là đà leo dốc của nhóm cổ phiếu công nghệ và y tế, khi nhà đầu tư thở phào nhẹ nhõm sau kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ và kỳ vọng rằng sự chia rẽ ở Quốc hội có thể là thông tin tích cực đối với chứng khoán.
Cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ 2018 kết thúc với cán cân quyền lực chia đều cho cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Trong ngày 7/11, các kết quả bỏ phiếu tại những bang cuối cùng của nước Mỹ dần được công bố với ưu thế đa số về tay đảng Dân chủ tại Hạ viện, đảng Cộng hòa tiếp tục nắm quyền kiểm soát Thượng viện, cho thấy khả năng bế tắc chính trị ở Washington.
Tác động tích cực nhất đến S&P 500 là lĩnh vực công nghệ và y tế, khi cả 2 chỉ số này đều tăng 2,9%. Lĩnh vực hàng tiêu dùng không thiết yếu vọt 3.1%, chủ yếu nhờ vào đà leo dốc 6,9% của cổ phiếu Amazon.com. Cổ phiếu Amazon cũng là cổ phiếu tác động tích cực nhất đến S&P 500.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE, thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, giảm 3,55 điểm xuống 16,36, mức đóng cửa thấp nhất trong 1 tháng.
Trong khi một Quốc hội chia rẽ sẽ khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump vấp phải khó khăn hơn trong việc thúc đẩy thông qua các đạo luật mới như cắt giảm thuế bổ sung, thì nhà đầu tư không kỳ vọng vào một sự đảo ngược chính sách cắt giảm thuế và nới lỏng quy định đã được ban hành dưới thời ông Trump.
James Knightley - Giám đốc chiến lược đầu tư tại ING, nhận định: "Kết quả này có thể dẫn đến sự tê liệt đối với các chính sách mới, ảnh hưởng đáng kể đến chương trình nghị sự lập pháp của ông Trump".
Một số chiến lược gia cho biết sự kiểm soát của Đảng Dân chủ ở Hạ viện có nghĩa là ông Trump sẽ có khoảng thời gian khó khăn để nhận được sự ủng hộ cho nỗ lực áp những quy định mới đối với Amazon.com.
Tuy nhiên, ngay cả khi nhóm cổ phiếu công nghệ và y tế nhảy vọt, các nhà đầu tư tỏ ra nghi ngờ liệu các lĩnh vực này có thể gặp rủi ro chịu các quy định kiểm soát bổ sung hay không.
Trong khi đó, mặc dù tăng điểm trong ngày 7/11, S&P 500 đã sụt 4% so với mức đóng cửa kỷ lục hồi tháng 9/2018, khi giới đầu tư vẫn tập trung vào đà tăng của lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và xung đột thương mại Mỹ - Trung.
Ngày 7/11, FED đã bắt đầu cuộc họp chính sách 2 ngày, nhưng thị trường dự báo không có quyết định nâng lãi suất sau cuộc họp.
FED được kỳ vọng sẽ nâng lãi suất vào tháng 12 tới tại cuộc họp chính sách cuối cùng trong năm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số Dow Jones vọt 545,29 điểm (tương đương 2,13%) lên 26.180.3 điểm, chỉ số S&P 500 cộng 58,36 điểm (tương đương 2,12%) lên 2.813.81 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 194,79 điểm (tương đương 2.64%) lên 7.570.75 điểm.nay.
Tại châu Á, các thị trường chứng khoán diễn biến trái chiều sau khi công bố kết quả bầu cử Quốc hội giữa kỳ ở Mỹ.
Với việc đảng Dân chủ giành thế đa số tại Hạ viện, chặng đường 2 năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Trump được dự báo sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với nửa đầu nhiệm kỳ, khi đảng Cộng hòa kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội. Điều này cũng báo hiệu sự giằng co trong tiến trình thông qua các chính sách quan trọng khi những quan điểm và ưu tiên của hai đảng luôn trong tình trạng đối đầu.
Chốt phiên ngày 7/11, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,3%, chỉ số Kospi của Hàn Quốc trượt dốc 0,5%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc sụt 0,7%. Tuy nhiên, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông (Trung Quốc) bật tăng 0,1%.
Trong khi đó, tại khu vực châu Âu, chỉ số FTSE 100 của thị trường Anh chốt phiên với mức tăng 1,1% lên 7.117,28 điểm, chỉ số DAX 30 tăng 0,8% của thị trường Đức tăng 0,8% lên 11.579,10 điểm khi đóng cửa. Còn chỉ số CAC 40 của thị trường Pháp khép lại ngày giao dịch 7/11 với mức tăng 1,2% lên 5.137,94 điểm. Riêng chỉ số Euro Stoxx 50 chốt phiên tăng 1,2% lên 3.246,16 điểm.