Phòng, chống tham nhũng: Thực tế đã minh chứng sự nhất quán giữa nói và làm

Trần Hà - Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Theo dõi thông tin từ Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTN, TC giai đoạn 2012-2022 (sáng 30/6), nhiều cán bộ, đảng viên đã bày tỏ sự tin tưởng vào quyết tâm chính trị của Đảng, kiên trì chống “giặc nội xâm”, đặc biệt là những định hướng đã được Tổng Bí thư chỉ rõ.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Việt Lịch sử Đảng): Việc kiên trì xây dựng "văn hóa liêm chính" rất quan trọng

Trước hết phải nói rằng, hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay vừa qua đã tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị, tập trung lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ PCTN,TC, có giá trị tổng kết thực tiễn lớn, nâng cao nhận thức và tiếp tục tạo sự thống nhất trong chỉ đạo từ Trung ương xuống đến cơ sở. Kết quả công tác PCTN, TC được đưa ra rất sát với thực tiễn. So sánh về số vụ việc, quy mô, cách thức xử lý, số lượng cán bộ đảng viên bị xử lý… cho thấy công tác này đã nhiều thành công đáng kể, gấp nhiều lần so với thời kỳ trước, để lại những dấu ấn lớn. Nhưng đúng như Tổng Bí thư đã chỉ ra, những con số đó quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là những bài học được rút và làm gì sắp tới để tiếp tục công cuộc PCTN,TC, làm trong sạch bộ máy chính trị, đội ngũ cán bộ.

Những nguyên nhân thành công cũng đã được Tổng Bí thư chỉ rõ, trong đó đặc biệt công tác PCTN, TC đã trở thành phong trào thực sự mang tính cách mạng, một xu thế trong Đảng, trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, làm cho mọi người không thể đứng ngoài cuộc, đều góp sức vào công cuộc này. Những kết quả đạt được cũng khẳng định Đảng đã nhất quán giữa nói và làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đây cũng là minh chứng cho thấy Đảng có đủ khả năng và bản lĩnh để đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Hội nghị lần này cũng đã rút ra những vấn đề lý luận, kinh nghiệm thực tiễn để vạch ra chương trình hành động mới.

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Ảnh: TTXVN
Quang cảnh Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Ảnh: TTXVN

Trong đó, một vấn đề tiếp tục được Tổng Bí thư nhấn mạnh, tham nhũng gắn với quyền lực. Điều đó cho thấy, hoàn thiện cơ chế, kiểm soát quyền lực cho hiệu quả thực sự vẫn là yêu cầu cấp bách nhằm ngăn chặn kịp thời các kẽ hở, lỗ hổng phát sinh tham nhũng. “Quyền lực phải được kiểm soát bằng cơ chế”. Qua thực tế tôi thấy, đòi hỏi phải chú trọng cả trách nhiệm kiểm soát, xây dựng cơ chế để kiểm soát theo chiều dọc và chiều ngang. Cấp trên kiểm soát cấp dưới, cùng cấp giám sát nhau, chú trọng kiểm soát chéo, Nhân dân kiểm soát cán bộ. 

Tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới, các giải pháp cả phòng và chống đã được Tổng Bí thư nêu ra phải tiến hành đồng bộ, tạo ra sức mạnh tổng hợp. Trong đó có việc kiên trì xây dựng "văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực" trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân rất quan trọng. Trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm, làm đi đôi với nói của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, ngành. Bởi thế, yêu cầu phải kiên trì giáo dục để cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực là rất quan trọng.

PGS.TS Bùi Thị An (nguyên Đại biểu Quốc hội): Niềm tin của người dân được nâng lên rất nhiều

Những kết quả trong công tác PCTN, TC được chỉ ra tại hội nghị vừa qua đã cho thấy, Trung ương đã thực hiện đúng như “cam kết” là “không có ngoại lệ”, “không có hạ cánh an toàn”, bất kể người đó là ai nhưng nếu đã vi phạm đều bị xử lý. Số lượng bị xử lý thì năm sau cao hơn năm trước; nhiều cán bộ cấp cao đã bị xử lý, nhiều vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều vị trí vốn được coi là “nhạy cảm” cũng được đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm minh. Kết quả này cũng là tất yếu của quá trình phát triển về nhận thức, hoàn thiện của luật pháp cũng như hiệu quả thực tế của việc kiến quyết xử lý các hành vi tham nhũng. Bên cạnh việc xử lý tham nhũng, Trung ương cũng tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt trong việc thu hồi tài sản tham nhũng, hạn chế mức thấp nhất thất thoát tài sản của Nhà nước và người dân.

Và qua đó, niềm tin của người dân vào quyết tâm PCTN, TC của Trung ương được nâng lên rất nhiều. Gần đây nhất, chủ trương thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở địa phương càng cho chúng ta thấy rõ hơn quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc tấn công mạnh mẽ hơn với vấn nạn này.

Các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Ảnh: TTXVN
Các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Ảnh: TTXVN

Tôi tin rằng, khi công tác PCTN, TC trở thành một định hướng lớn, có sự hưởng ứng đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, hay như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh là “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, thì công tác quan trọng này sẽ tiếp tục tạo những bước đột phá lớn hơn nữa. Từ những bài học quý đã được đúc kết trong 10 năm qua, những định hướng đã được người đứng đầu của Đảng chỉ ra, người dân cả nước mong chờ rằng Trung ương, Bộ Chính trị, sẽ tiếp tục đẩy cao công tác PCTN, TC lên một mức nữa, đồng thời phải có cơ chế ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng, thực thi chính sách, luật pháp.

Bí thư Đảng ủy phường Dương Nội (quận Hà Đông) Lã Quang Thức: Phải phòng ngừa các sai phạm

Những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC rất sát thực, phù hợp tình hình hiện nay trong công tác đấu tranh PCTN,TC của toàn Đảng, toàn dân. Đặc biệt, các chỉ đạo quyết liệt từ trên xuống dưới và việc thành lập được Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, TC đã tạo ra sự thông suốt trong chỉ đạo, thúc đẩy công tác PCTN, TC hiệu quả hơn từ chính cơ sở. Qua đó, đẩy mạnh, tăng cường hơn trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, được các tầng lớp Nhân dân ủng hộ, đánh giá cao.

Bài phát biểu kết luận hội nghị của Tổng Bí thư đã đi vào lòng dân, được cán bộ, Nhân dân đánh giá cao. Trong đó, đã đưa ra những vấn đề căn cốt nhất, có ý nghĩa lan tỏa rất lớn để mỗi cán bộ, đảng viên nắm bắt, tự chỉnh đốn, tự noi gương, làm tốt vai trò công bộc của Nhân dân.

Chúng tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới, công tác đấu tranh PCTN, TC tiếp tục nâng cao lên ở tầm cao mới. Với những giải pháp đồng bộ đã được Tổng Bí thư chỉ rõ, sẽ góp phần không những đấu tranh với những hành vi tham nhũng, mà còn phòng ngừa các sai phạm. Chắc chắn sắp tới, các giải pháp phòng ngừa, hoàn thiện cơ chế, chính sách để không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng sẽ tiếp tục được tăng cường.

Phó Bí thư Chi bộ - Tổ trưởng Tổ dân phố số 10 (phường Liễu Giai, quận Ba Đình) Nguyễn Văn Thúy: Tạo sự chuyển động đồng bộ từ trên xuống dưới

Hội nghị tổng kết 10 năm về công tác PCTN,TC không chỉ rút ra những bài học kinh nghiệm để áp dụng cho giai đoạn mới, mà còn là dịp để quán triệt sự quyết tâm của Đảng trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” này; khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, tạo sự chuyển động đồng bộ từ trên xuống dưới. Phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lan tỏa được ý chí quyết tâm của Đảng và “truyền lửa” đến các cấp, ngành, các địa phương.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay đã có nhiều cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, điều này cho thấy, công tác PCTN tiếp tục có những bước đột phá mạnh mẽ, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đánh giá cao. Theo dõi diễn biến của hội nghị, người dân trân trọng đón nhận ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu Đảng ta. Tổng Bí thư đã nhấn mạnh tới tất cả những người tham gia công tác đấu tranh PCTN, TC  “liêm, dũng, chính trực”. Tức là phải trong sạch, dũng cảm, ngay thẳng, công tâm trung thực, không bị cám dỗ  bởi bất cứ lợi ích nào, không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào. Làm được như vậy sẽ tạo được niềm tin trong dân, thực hiện được nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó.

Hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng thực sự đã mở ra một đột phá mới, trở thành một dấu mốc trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực để làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước, củng cố niềm tin của Nhân dân, tạo môi trường lành mạnh, phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối: Lắp đầy các kẽ hở trong chính sách để phòng ngừa

Qua những kết quả được chỉ ra từ Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTN, TC cho thấy, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh PCTN, TC đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của Nhân dân, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh PCTN, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh".

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; quyết liệt chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, với nhiều cơ chế, giải pháp, cách làm bài bản, hiệu quả và không chịu tác động không trong sáng của tổ chức, cá nhân nào. Dưới góc độ pháp luật, việc phòng ngừa tham nhũng cũng hợp lý và phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về PCTN, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về tội phạm tham nhũng, tội phạm về chức vụ.

Việc mở rộng việc PCTN, TC sang khu vực tư là cần thiết, tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục phải hoàn thiện về thể chế để bao quát. Ví dụ như việc kê khai, kiểm soát đã được thực hiện theo quy định pháp luật về thuế, chẳng hạn Luật Thuế thu nhập cá nhân, pháp luật về thuế cũng đã có các quy định về xử lý vi phạm đối với hành vi gian lận thuế, trốn thuế… Như vậy, nếu bắt buộc họ phải kê khai, kiểm soát theo Luật Phòng, chống tham nhũng nữa là không cần thiết, thậm chí chồng chéo giữa các quy định pháp luật.

Mặt khác, để chống tham nhũng không chỉ riêng việc xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng mà còn cần hoàn thiện các luật chuyên ngành khác như Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu… Việc giải quyết các vấn đề về chống tham nhũng ở từng lĩnh vực còn phụ thuộc vào luật chuyên ngành mà hiện nay vẫn tồn tại những kẽ hở tạo cơ hội cho cán bộ, doanh nghiệp trục lợi, đây vấn đề cần quan tâm để tạo sự phòng ngừa.