Từ tháng 8/2019, UBND huyện đã có văn bản về giải tỏa bãi chứa trung chuyển VLXD tại xã Vân Phúc; tháng 8/2020 Phòng Quản lý đô thị huyện có văn bản đề nghị tạm dừng hoạt động các bến thủy nội địa; tháng 4, 8/2020 UBND xã Sen Phương có văn bản về tạm dừng hoạt động các bến thủy nội địa trên địa bàn xã nhất là trong mùa mưa bão 2020… Đặc biệt, với 2 bến thủy nội địa Phúc Sơn và Thúy Bình (xã Sen Phương), UBND TP đã ban hành quyết định ngày 1/9/2020 về cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả; ngày 4/9/2020, 2 chủ bến đã ký cam kết tự khắc phuc hậu quả. Trước đó, Công an huyện phối hợp Đội Thanh tra GTVT đã xử phạt 3 bến không có giấy phép hoạt động là các bến Thúy Bình, Vân Đình 1, Vân Phúc với số tiền 7.500.000 đồng/bến; phối hợp Công an TP và Thanh tra Sở NN&PTNT xử phạt bến Vân Đình 1 do tập kết cát trong không gian thoát lũ đê với số tiền 50.000.000 đồng; phối hợp Phòng CSGT đường thủy xử phạt các bến khách ngang sông do đưa phương tiện vào khai thác không đúng công dụng, khai thác bến thủy quá thời hạn cho phép, với tổng số tiền 8.000.000 đồng… Đồng thời, Đội Thanh tra GTVT đường thủy nội địa xử phạt bến thủy nội địa Phúc Sơn (xã Sen Phương) và bến thủy nội địa ông Thiêm (xã Xuân Đình) do khai thác bến quá thời hạn cho phép, với số tiền 2.500.000 đồng/bến.
Bến thủy nội địa Vân Đình 1 (xã Xuân Đình) đã bị xử phạt do không có giấy phép hoạt động, song tại thời điểm kiểm tra, Bến vẫn hoạt động bình thường |
Lãnh đạo UBND huyện cũng chia sẻ, hiện nhu cầu VLXD cát, sỏi và vận chuyển hành khách qua sông của Nhân dân huyện khá lớn; đoạn sông Hồng qua địa bàn có hiện tượng khai thác trộm cát, sỏi lòng sông nhưng các đối tượng hoạt động lén lút vào ban đêm, hoạt động trên mặt nước, nên lực lượng chức năng khó kiểm tra, xử lý. UBND huyện cũng đề nghị UBND TP, Sở Tài Chính, Sở GTVT sớm có văn bản hướng dẫn tổ chức lựa chọn đơn vị khai thác bến khách ngang sông, để các bến đi vào hoạt động đúng pháp luật. UBND TP và các sở, ngành cần hướng dẫn chi tiết để các chủ hộ hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, triển khai đầy đủ dự án, đảm bảo các điều kiện để cấp có thẩm quyền cấp phép hoạt động đúng quy định; đồng thời hướng dẫn, thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê đất, cấp phép hoạt động bến thủy nội địa để hoạt động theo quy định.
Từ thực tế khảo sát và lắng nghe ý kiến của địa phương và sở, ngành liên quan, các thành viên đoàn khảo sát khẳng định, mặc dù chính quyền địa phương và các sở ngành đã ra quân kiểm tra, xử phạt như vậy, song thực tế các bến thủy nội địa, bến tập kết trung chuyển VLXD và bến khách ngang sông trên địa bàn Phúc Thọ tuy đều chưa đủ điều kiện, đã hết thời hạn cấp phép hoạt động từ lâu mà đến nay vẫn chưa hoàn thiện thủ tục để được gia hạn hoặc cấp phép lại, tại thời điểm kiểm tra vẫn đang hoạt động. Những vi phạm đó cho thấy, từ vai trò quản lý của chính quyền cho đến sự phối hợp hướng dẫn của các sở, ngành và sự chấp hành quy định của chủ bến bãi đều thiếu quyết liệt, dù nhiều bến thiếu điều kiện về đánh giá tác động môi trường, hợp đồng thuê đất… Công an huyện đã gửi hồ sơ cho Chủ tịch UBND huyện từ tháng 6/2020 nhưng đến nay các trường hợp thiếu thành phần hồ sơ đều chưa hoàn thiện. Những điều đó đặt ra câu hỏi, trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương từ huyện đến các xã; trách nhiệm quản lý và hướng dẫn của các ngành liên quan như Công an TP, Sở GTVT, Chi cục đê điều… đến đâu? Quan trọng nhất, huyện đang chờ các ngành có quan điểm thế nào, để các bến này đi vào hoạt động đúng quỹ đạo của pháp luật.
Bến thủy nội địa Phúc Sơn (xã Sen Phương) đã bị xử phạt do khai thác bến quá thời hạn cho phép, nhưng tại thời điểm đoàn keiểm tra cũng vấn đang hoạt động bình thường |
Thay mặt đoàn khảo sát, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân ghi nhận kết quả đạt được của huyện Phúc Thọ trong công tác quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông và quản lý bến thủy nội địa, trong đó đã tăng cường kiểm tra giám sát và xử phạt những hành vi vi phạm. Tuy nhiên, Trưởng Ban Đô thị nhấn mạnh công tác quản lý này trên địa bàn thể hiện còn tồn tại không ít bất cập. Nổi cộm là các bến thủy nội địa, bến trung chuyển VLXD, bến khách ngang sông đều đã hết hạn hoặc chưa được cấp phép hoạt động nhưng trên thực tế vẫn đang hoạt động, hoàn toàn là vi phạm. Việc xử phạt và cho tồn tại như vậy chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý, có trách nhiệm của chính quyền từ xã đến huyện và trách nhiệm hướng dẫn các sở, ngành liên quan để địa phương thực hiện đúng chỉ đạo.
Do đó, Trưởng Ban Đô thị đề nghị với những bến chưa được cấp phép, huyện phải kiên quyết đình chỉ hoạt động. Để thực hiện hiệu quả những quyết định đình chỉ đã ban hành, từ huyện đến các xã cần tăng cường kiểm tra, có biện pháp quản lý hiệu quả để các chủ bến tuân thủ chỉ đạo trong khai thác, quản lý bến. Huyện và các sở, ngành sớm có biện pháp giải quyết theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND TP.
Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân phát biểu kết luận buổi khảo sát |
“Trong đó, sự chủ động của huyện rất quan trọng, nhất là rà soát các điều kiện tiêu chuẩn và quy định pháp luật để hướng dẫn các chủ bãi thực hiện đúng thủ tục, nếu họ đã đủ điều kiện mà không được hướng dẫn cụ thể thì rất khó hoạt động đúng pháp luật. Xuất phát ban đầu phải là UBND huyện, cần rà soát xây dựng phương án về đất đấu giá để trình Sở TN&MT báo cáo TP xem xét từng trường hợp cụ thể- là điều kiện quan trọng nhất để Sở GTVT thực hiện cấp phép hoạt động cho các bến. Song, nếu việc này chỉ do huyện và xã triển khai thì không hiệu quả, nên huyện cần chủ động mời các sở phối hợp, kiểm tra thực tiễn thì mới có thể giải quyết nhanh, tạo điều kiện cho các bến được đưa vào khai thác, sử dụng đúng pháp luật và giúp thuận lợi trong quản lý nhà nước” - ông Nguyễn Nguyên Quân nêu rõ.