Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hà Nam được UBND tỉnh Quảng Bình cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 3001/QĐ-CT ngày 04/12/2012 với tổng diện tích 4,9ha, trữ lượng được phép khai thác 1.327.500m3, với thời hạn 30 năm tại khu vực Khe Lau, xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch).
Theo đại diện công ty, mặc dù mỏ đá được cấp phép từ lâu nhưng do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về đầu ra, giá cả thị trường nên mãi đến đầu năm 2022 mới bắt đầu đi vào hoạt động. Thời gian đầu, công ty nhận được rất nhiều phản ánh của người dân về việc khai thác gây bụi bặm, ồn ào, rung chấn làm ảnh hưởng đến sức khoẻ và sinh hoạt hằng ngày. Trên tinh thần lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người dân, nhờ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, đại diện công ty đã tổ chức nhiều cuộc họp đối thoại nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để có thể đưa ra phương án hỗ trợ đền bù, khắc phục thiệt hại đối với những hộ dân bị ảnh hưởng cũng như các giải pháp kỹ thuật nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.
Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hà Nam Đặng Thuỷ Triều cho biết, ngay từ giữa năm 2022, trước yêu cầu của người dân và sự thống nhất của chính quyền địa phương, công ty đã phối hợp thành lập tổ giám sát mìn cộng đồng. Hằng tháng, công ty chi trả tiền hỗ trợ quỹ cho tổ giám sát với số tiền 10.000.000 đồng/tháng. Thành viên của tổ là những hộ dân sinh sống lân cận mỏ, thực hiện giám sát tất cả hoạt động khoan nổ mìn, lập biên bản xác nhận tình trạng nổ mìn có gây ảnh hưởng khói bụi, rung chấn đến người dân hay không. Từ đó đến nay, hoạt động khai thác vẫn diễn ra bình thường tại mỏ đá và tổ giám sát đã thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình.
Cùng với đó là việc triển khai các giải pháp kỹ thuật trong công tác nổ mìn khai thác cũng được Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hà Nam tập trung áp dụng. Hiện tại, công ty đang sử dụng phương pháp nổ mìn tiên tiến nhất hiện nay, đó là “nổ mìn kíp visai điện”. Mặc dù phương pháp này tốn thêm nhiều chi phí nhưng lại có nhiều ưu điểm vượt trội và mang lại năng suất cao. Bằng phương pháp này đã làm tăng hiệu quả đập vỡ đá đồng đều hơn, giảm đá vụn và đá quá cỡ, giảm được chỉ tiêu thuốc nổ, mạng lưới lỗ khoan được mở rộng, giảm tác dụng chấn động, đá văng, sóng đập không khí và đảm bảo độ an toàn cao cho công nhân.
Bên cạnh đó, Công ty cũng tiến hành thông báo về kế hoạch nổ mìn tại mỏ đá trước một ngày để chính quyền và người dân nắm, thống nhất với mỏ đá bên cạnh lịch nổ so le nhằm giảm ảnh hưởng và thuận lợi cho tổ tự quản giám sát mỗi bãi nổ. Ngoài ra, nếu nhận được phản ánh của người dân, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hà Nam còn chủ động giảm lượng thuốc nổ cho mỗi bãi nổ mìn so với giấy phép để hạn chế đến mức tối đa rung chấn, khói bụi. Khi nổ mìn cần lựa chọn thời điểm hướng gió cho phù hợp để giảm thiếu bụi bay ảnh hưởng đến nhà cửa, đồng ruộng của người dân trong vùng.
Đồng thời, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hà Nam cũng đã tiến hành đào hố nước sâu, kích thước lớn so với yêu cầu nhằm hạn chế rung chấn trong quá trình nổ mìn, tăng cường phun sương, dập bụi, tưới đường trong quá trình khai thác. Trồng thêm nhiều cây xanh trong khu vực khuôn viên mỏ để hạn chế khói bụi phát tán ra ngoài khu dân cư. Chấp hành theo cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hà Nam Đặng Thuỷ Triều chia sẽ, tính đến thời điểm hiện tại, tình trạng gây ảnh hưởng đến môi trường, người dân đã giảm đi đáng kể, các thông số về rung chấn, khói bụi từng bước được nâng cao. Công ty luôn luôn sẵn sàng lắng nghe các ý kiến, phản hồi của người dân để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình khai thác để môi trường được đảm bảo.
Trao đổi với phóng viên, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quảng Trạch Nguyễn Thanh Bình cho biết, địa bàn xã Quảng Đông được xem như vùng quy hoạch khoáng sản của tỉnh Quảng Bình, hiện trên địa bàn có 6 mỏ đá đang hoạt động. Việc khai thác đá là một trong những hoạt động sản xuất có tác động tiêu cực đến cảnh quan, địa hình và hệ sinh thái. Các mỏ khai thác lộ thiên không chỉ ảnh hưởng do nổ mìn, mà còn gây ra lượng bụi rất lớn. Việc vận chuyển đá từ mỏ đi tiêu thụ cũng gây ra bụi bẩn, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
“Thời gian tới, đơn vị sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các đơn vị hoạt động khai thác đá trên địa bàn huyện. Xử lý nghiêm các trường hợp để xảy ra hệ luỵ đến môi trường, và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Hoạt động khai thác phải gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên, cảnh quan, theo định hướng phát triển kinh tế xanh”, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quảng Trạch cho biết.