Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: Cuộc di dân chưa có tiền lệ ở làng “trời đánh”

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong màn đêm thăm thẳm giữa núi rừng, những tia chớp trắng sáng giăng kín trên bầu trời. Sau tiếng nổ lớn, trâu, bò trong làng Long Vót lăn ra chết, cây cối ngã đổ, có người bị sét đánh bất tỉnh.

Tháo chạy khỏi làng cũ

Đầu tháng 12, bất chấp thời tiết nắng mưa thất thường, gia đình anh Đinh Văn Đào (lòng Long Vót, thôn Ra Manh, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn thu dọn đồ đạc, dụng cụ, gỡ từng thanh tre, mảnh ván, sắp xếp các viên ngói để “dời nhà” đến nơi ở mới cách đó 2km.

Người làng Long Vót dựng nhà ở nơi ở mới.
Người làng Long Vót dựng nhà ở nơi ở mới.

“Năm trước, vợ với con đi qua nhà bà con chơi thì bị sét đánh, lăn ra tại chỗ. Lúc đó cứ tưởng chết luôn rồi, may là một lúc lâu sau dần hồi tỉnh. Bây giờ mỗi lần trời ra dông sét là sợ lắm. Đâu phải lần nào cũng may mắn thoát chết”- anh Đào cho hay.

Gần 70 tuổi đời, chưa khi nào ông Đinh Văn Đôn chứng kiến cảnh dông sét dữ dội như những năm gần đây. Ngồi thu lu trong căn chòi dựng tạm, ông  Đôn giãi bày: “Hồi trước có sét nhưng không nhiều như vậy. Bây giờ sét đánh chết gà, vịt, trâu, bò, nhiều người cũng chết hụt vì bị trời đánh. Già làng bảo không thể ở lại được nữa, dân làng phải đi thôi”.

Ông Đinh Văn Đôn chưa từng thấy cảnh dông sét dữ dội như những năm gần đây.
Ông Đinh Văn Đôn chưa từng thấy cảnh dông sét dữ dội như những năm gần đây.

Đang bận rộn với ngôi nhà mới dang dở, được lắp ghép từ chính các vật liệu từ nhà ở làng cũ mang đến đây, anh Đinh Văn Bền vẫn thảng thốt khi nhắc đến chuyện mỗi khi trời nổi cơn thịnh nộ, dông sét giáng xuống.

“Làng cũ nằm ở trên kia, sét đánh ghê lắm, nhất là ban đêm. Nhà nào có mái tôn là sét đánh xuống, lóe sáng như ban ngày. Ở bên đó 20 năm, năm nào cũng có chục trận sét lớn, không chịu nổi nữa, không dám ở nên di chuyển ra đây ở. Mới đợt vừa rồi đây, sét đánh sát ngay nhà, may không ai bị sao”- anh Bền rùng mình.

Con trai già Đinh văn Điểm cũng từng chết hụt do sét đánh.
Con trai già Đinh văn Điểm cũng từng chết hụt do sét đánh.

Già Đinh Văn Điểm góp lời: “Có năm, sét đánh trúng thằng con trai đầu của tui, lúc đó nó đang cầm dù che mưa. Gia đình chạy chữa mãi mới lành. Ở làng cũ, chỉ nghe “đùng” một cái là bò chết, heo chết, cây cau, cây quýt ngã rạp như bị dùng cuốc đánh bật lên. Sét đánh to như bom Mỹ nổ, mà khổ là giặc Mỹ còn đánh được chứ sét thì làm sao đánh lại, đành phải bỏ làng thôi”.

Cuộc di dân chưa có tiền lệ

Làng Long Vót ngót nghét chưa đến 20 nóc nhà với 73 nhân khẩu. Không thể tiếp tục sống chung với “thiên lôi” vì liên tục bị “trời đánh”, dân làng dắt díu nhau rời nơi ở để lập làng mới, tạo nên cuộc di cư chưa có tiền lệ ở vùng núi cao.

Nơi người dân Long Vót lập làng mới.
Nơi người dân Long Vót lập làng mới.

Ngang sườn núi, cách làng cũ khoảng 2km, hơn chục túp lều tạm bợ mọc lên dưới chân núi. Không điện chiếu sáng, không đường giao thông, cuộc sống còn muôn vàn khó khăn… nhưng người dân Long Vót lại bảo rằng, từ ngày rời làng cũ qua đây sống tạm, họ thấy an tâm hơn và không còn thường trực nỗi lo bị "trời đánh".

 

Ông Nhâm Xuân Sỹ - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi cho rằng, xã Sơn Long nói riêng và huyện Sơn Tây nói chung là khu vực có địa hình cao nhất ở tỉnh Quảng Ngãi. Vào mùa hè, nơi này thường có mây đối lưu phát triển mạnh kèm theo các "ổ" dông sét hoặc lốc xoáy. Ngoài nguyên nhân do yếu tố địa hình, khu vực này nhiều dông sét còn có thể do yếu tố về địa chất kết hợp địa hình núi cao. “Khi quan sát mây dông phát triển, người dân cần tìm nơi trú ẩn an toàn ngay để phòng tránh”-  ông Sỹ khuyến cáo.

Theo ông Đỗ Thanh Vượt - Chủ tịch UBND xã Sơn Long, từ những thông tin người dân báo cáo với UBND xã về hiện tượng dông sét bất thường, UBND xã đã tiến hành kiểm tra ghi nhận, đánh giá nguy cơ rủi ro.

Sau khi kiểm tra thực tế, UBND xã Sơn Long xét thấy khu vực có nguy cơ dông sét rất nguy hiểm đến tính mạng người dân. Dông sét xảy ra thường xuyên và có mật độ dày bình quân khoảng 15 lần/năm và hay đánh vào các cây gỗ lớn ở làng Long Vót.

Sau đó, UBND xã Sơn Long tổ chức họp lấy ý kiến người dân để có cơ sở di dời khu dân cư đến nơi an toàn để bà con nhân dân an cư lập nghiệp. Qua buổi họp lấy ý kiến, 17/17 hộ dân đề đạt nguyện vọng muốn di dời đến nơi ở mới và an toàn hơn. Địa điểm di dời cách làng cũ khoảng 2km theo hướng Tây Nam, giáp ranh với thôn Mang Nách (xã Ngọc Tem, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum).

“Làng Long Vót là nơi xa và khó khăn nhất của xã. Theo quan niệm của người đồng bào thì không thể ở lại làng cũ được nữa. Hiện tại, 73 nhân khẩu của làng Long Vót đã di dời đến nơi ở tạm” - ông Vượt thông tin.

Chính quyền đã có phương án xin kinh phí hỗ trợ người dân làm nhà, ổn định cuộc sống.
Chính quyền đã có phương án xin kinh phí hỗ trợ người dân làm nhà, ổn định cuộc sống.

Được biết, liên quan đến vấn đề trên, chính quyền huyện Sơn Tây đã trình tỉnh phương án hỗ trợ kinh phí cho người dân làm nhà ngay nơi ở mới để phù hợp đặc thù riêng và thuận lợi cho quá trình canh tác, sản xuất của bà con.