Kết quả có 448/449 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành thông qua dự án Nghị quyết phê chuẩn chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận (chiếm tỷ lệ 92,75%). Trong số đại biểu tham gia biểu quyết có 1 đại biểu không biểu quyết với dự thảo Nghị quyết (chiếm tỷ lệ 0,21%).
Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê chuẩn chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Dự thảo Nghị quyết phê chuẩn chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận gồm 4 điều. Trong đó, vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm là về hiệu quả kinh tế - xã hội và tính khả thi của Dự án.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê chuẩn chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. |
Theo đó, có ý kiến đề nghị cần đánh giá thêm hiệu quả mang lại của Dự án trong so sánh với mức độ thiệt hại về diện tích rừng phải chuyển đổi.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo chỉ rõ: Dự án Hồ chứa nước Ka Pét là công trình thủy lợi đa mục tiêu, được xây dựng trên địa bàn thường xuyên bị khô hạn sẽ góp phần giải quyết thêm 30% nhu cầu nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho sinh hoạt cho trên 12.000 hộ dân và khu công nghiệp, góp phần thoát lũ nên sẽ góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống người dân, hạn chế tình trạng di dân tự do.
Qua phân tích đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội và tác động đến môi trường của Dự án thì hiệu quả mang lại của Dự án là rất lớn (hiệu quả kinh tế thể hiện qua các chỉ số về kinh tế NPV=651.233 triệu đồng, EIRR =23%, B/C= 2,11). Nhờ có nước nên thảm thực vật xung quanh vùng hồ sẽ được cải thiện, tạo cảnh quan đẹp phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng và nuôi trồng thuỷ sản. Hơn nữa, hiệu quả cắt giảm lũ của công trình hồ chứa cũng rất cao, tạo môi trường tốt cho vùng hạ lưu an toàn trong sản xuất, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương nên việc đầu tư xây dựng Dự án cần thiết cho phát triển bền vững khu vực này.
Mặt khác, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị tính toán kỹ về tuổi thọ công trình; độ bồi lắng lòng hồ; làm rõ việc trữ nước của Hồ có ảnh hưởng tới lượng nước của đập thủy điện phía hạ nguồn.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo cho thấy: Tuổi thọ công trình, độ bồi lắng lòng hồ đã được tính toán kỹ lưỡng theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 04-05:2012/BNNPTNT Công trình thủy lợi – Các quy định chủ yếu về thiết kế, trong đó hồ chứa của dự án thuộc công trình cấp II, có thời gian bồi lắng tính toán là 75 năm, tuổi thọ công trình tối thiểu là 75 năm. Dự án cũng không làm ảnh hưởng đến việc trữ nước của các đập thủy điện vì cả hiện tại và theo quy hoạch không có hồ, đập thủy điện ở phía hạ nguồn.
Về tính khả thi của Dự án, có ý kiến đề nghị xem xét lại thời gian hoàn thành của Dự án là khá dài (5 năm) trong khi Dự án có quy mô không lớn, có thể rút ngắn xuống 3 năm.
Kết quả biểu quyết. |
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo: Dự án tuy có tổng mức đầu tư và quy mô không lớn nhưng liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế nên thời gian thực hiện Dự án từ 2019 – 2024 là phù hợp vì cần thời gian để triển khai các hạng mục của Dự án như: đấu thầu khai thác tận thu lâm sản trong lòng hồ; 04 năm trồng và nghiệm thu rừng thay thế với diện tích 1.941,69 ha; xây dựng 2 hệ thống kênh cho khu tưới Hàm Cần và khu tưới Mỹ Thạnh. Do vậy, thời gian thực hiện Dự án là 5 năm là phù hợp với thực tế.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị làm rõ việc phân bổ vốn đối ứng, cách thức huy động vốn 399 tỷ đồng giai đoạn 2021-2024.
Về vấn đề này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo cho thấy: Như Tờ trình 477/TTr-CP đã nêu, tổng đầu tư cho Dự án là 585,647 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020: 186,502 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm năm 2016 là 50 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ theo Chương trình ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 là 136,502 tỷ đồng. Giai đoạn sau năm 2020 là 399,145 tỷ đồng, từ ngân sách Nhà nước của tỉnh Bình Thuận từ năm 2021 đến 2024 và cân đối trong tổng nguồn trung ương hỗ trợ cho địa phương giai đoạn 2021- 2025.
Như vậy, nguồn vốn huy động cho Dự án chủ yếu được cấp từ ngân sách Nhà nước nên khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, các cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm bố trí nguồn vốn đề thực hiện Dự án theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công.
Dự thảo Nghị quyết phê chuẩn chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận có hiệu lực từ ngày Quốc hội thông qua./.