Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc Oai: Hơn 30% lao động nông thôn sau đào tạo được doanh nghiệp tuyển dụng

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội ghi nhận kết quả tích cực của huyện Quốc Oai trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó đã ban hành 56 quyết định, kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai trên địa bàn; tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn không ít tồn tại.

Tiếp tục chương trình giám sát tình hình thực hiện quy định pháp luật về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn Hà Nội từ năm 2016 đến nay, chiều 10/6, đoàn giám sát số 2 của Thường trực HĐND TP do Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà làm trưởng đoàn có buổi làm việc tại huyện Quốc Oai.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đức Phương, thời gian qua, huyện rất quan tâm công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho LĐNT bằng nhiều hình thức, như: Chỉ đạo Đài truyền thanh huyện xây dựng chuyên mục tuyên truyền, tư vấn học nghề và các đài địa phương tiếp sóng; tuyên truyền tư vấn thông qua các tổ chức đoàn thể ở địa phương; tổ chức phiên giao dịch việc làm để DN có nhu cầu tuyển dụng và người lao động (NLĐ) tham gia… Nhiều xã còn giới thiệu chính sách đào tạo nghề, mô hình dạy nghề, học nghề có hiệu quả, bố trí cộng tác viên làm công tác tuyên truyền, tư vấn cho NLĐ trước khi học nghề.
Cụ thể từ năm 2016 đến nay, huyện đã tổ chức 228 lớp đào tạo nghề cho 8.096 LĐNT theo Quyết định 1956/QĐ-TTg (trong đó 4.767 lao động nghề nông nghiệp, 3.329 lao động nghề phi nông nghiệp); có số LĐNT được đào tạo lớn nhất TP. Đáng kể, số người có việc làm sau đào tạo nghề đạt tỷ lệ 100%, tuy nhiên trong đó số lao động được DN tuyển dụng sau đào tạo mới chiếm 33,83%, số lao động tự tạo việc làm chiếm 58,45%. Tổng kinh phí đào tạo nghề từ năm 2016 đến nay là 20.846.874.000 đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách TP giao hàng năm chiếm 91,84%. Đặc biệt, huyện đã tổ chức thực hiện 3 mô hình thí điểm về đào tạo nghề cho LĐNT theo phương thức đặt hàng: Đào tạo nghề cho lao động đang làm việc tại các DN theo đặt hàng của chủ DN, đào tạo nghề cho LĐNT theo nhu cầu phát triển các làng nghề, đào tạo nghề cho LĐNT theo nhu cầu của DN cam kết bao tiêu sản phẩm cho NLĐ. Triển khai đào tạo nghề đã góp phần nâng cao đời sống người dân nông thôn, hạn chế tệ nạn xã hội, an ninh nông thôn được đảm bảo, KT-XH phát triển, QP-AN được giữ vững.
 Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà phát biểu trong buổi giám sát tại huyện Quốc Oai
Tại buổi làm việc, các ý kiến đoàn giám sát ghi nhận kết quả tích cực của huyện Quốc Oai trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT, trong đó đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg với việc ban hành 56 quyết định, kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai trên địa bàn (năm 2011 đã ban hành một nghị quyết riêng về công tác này). Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn không ít tồn tại. Đó là, công tác khảo sát nhu cầu học nghề chưa sát thực tế; công tác tuyên truyền, tư vấn cho NLĐ chọn nghề và tham gia học nghề còn hạn chế; số NLĐ tham gia đào tạo nghề còn ít so với quy mô LĐNT của huyện. Đào tạo nghề cũng chưa gắn với kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của các DN, cơ sở SXKD và chưa chuyển dịch được lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp hoặc chuyển đổi sang nghề nông nghiệp mới. Nhất là, về sự tham gia của DN trong việc giải quyết việc làm cho NLĐ sau học nghề, một số DN thường áp dụng hình thức tự đào tạo cho lao động phổ thông để thực hiện một công đoạn hay một thao tác cơ bản để tham gia sản xuất với DN; số LĐNT sau đào tạo nghề được DN tuyển dụng chưa cao; số LĐNT học nghề nông nghiệp chủ yếu làm nghề cũ (tự tạo việc làm). Cùng đó, thu nhập của học viên sau khi có nghề còn thấp; nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm trên địa bàn rất lớn nhưng nguồn vốn cho vay từ Ngân hàng chính sách huyện chưa đáp ứng được.
Từ đó, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà đề nghị huyện Quốc Oai chú trọng tuyên truyền, tư vấn học nghề cho LĐNT; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề sát thực tế phát triển KT-XH địa phương và nhu cầu của NLĐ (nhu cầu, nghề cần đào tạo hay đào tạo chuyên sâu); đào tạo theo chuỗi sản phẩm, gắn với sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Huyện cũng cần phối hợp các DN trong giải quyết việc làm; nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty, DN, tổ HTX trên địa bàn để giúp NLĐ có việc làm, thu nhập ổn định. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã, các tổ chức chính trị-xã hội và người dân trong tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT. Với các sở, ngành, Trưởng đoàn lưu ý tiếp tục phối hợp chặt chẽ với huyện trong thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT; kịp thời hướng dẫn giải quyết vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện.