Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội:

Quy định phạm vi khai thác thông tin cá nhân, tránh gây phiền hà công dân

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 22/6, thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát, quy định cụ thể trong Luật Căn cước công dân (sửa đổi) về phạm vi khai thác của các chủ thể khai thác thông tin của công dân bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ, tránh gây phiền hà cho công dân.

Chưa có nước nào chấp nhận dùng thẻ căn cước thay hộ chiếu

Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Đoàn tỉnh Bắc Kạn) cho hay, về thông tin của công dân được thu thập, tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại điều 10 dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết dự thảo luật có khoản quy định "ngoài những thông tin nêu trên thì còn thu thập, tích hợp những thông tin khác của công dân" mà được chia sẻ từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, quy định này cần cân nhắc kỹ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Đoàn tỉnh Bắc Kạn) đề nghị, cần quy định phạm vi khai thác thông tin cá nhân, tránh gây phiền hà công dân
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Đoàn tỉnh Bắc Kạn) đề nghị, cần quy định phạm vi khai thác thông tin cá nhân, tránh gây phiền hà công dân

“Dự thảo quy định "những thông tin khác của công dân" thì chưa rõ những thông tin này là thông tin gì. Liệu có những thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của công dân hay không. Vì thế, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để quy định cụ thể "những thông tin khác của công dân" ngay trong luật mà không nên thể hiện như trong dự thảo hiện nay” - đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị.

Một trong những vấn đề đại biểu Nguyễn Thị Thủy bày tỏ quan tâm, đó là các chủ thể được khai thác thông tin được quy định tại Điều 11 dự thảo Luật. Theo đó, các chủ thể được khai thác thông tin gồm các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội. “Các thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư rất rộng, ví dụ số điện thoại của công dân nếu không được quản lý phù hợp sẽ gây phiền cho công dân. Mỗi cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ khác nhau nên mục đích và phạm vi khai thác là khác nhau” - đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu quan điểm.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, dự thảo Luật chỉ quy định các chủ thể khai thác thông tin mà lại không quy định phạm vi khai thác thông tin, dự thảo Luật giao cho Chính phủ quy định. Các thông tin liên quan trực tiếp đến cá nhân công dân và cả những thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của công dân. “Quá trình chỉnh lý phải rà soát, quy định cụ thể ngay trong luật phạm vi khai thác của các chủ thể khai thác thông tin bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ của chủ thể" - đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Góp ý về quy định về giá trị của thẻ căn cước tại Điều 21 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho hay, dự thảo quy định thẻ căn cước được sử dụng thay cho hộ chiếu trong trường hợp giữa Việt Nam với quốc tế, với các nước có ký kết điều ước, thỏa thuận sử dụng thẻ căn cước thay cho hộ chiếu. Vấn đề này liên quan đến hướng dẫn của Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO), trong hướng dẫn này đã nêu rất rõ những thông tin bắt buộc trong trang dữ liệu hộ chiếu thì có nhiều thông tin, trong đó có thông tin về số hộ chiếu, loại hộ chiếu, mã số và chữ ký chủ hộ chiếu. Dùng cái này thì có giá trị với tất cả các quốc gia và các hãng vận chuyển.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Điều 16 và 19 của dự thảo Luật không có các thông tin liên quan đến hộ chiếu. Do vậy, không thể sử dụng thay thế cho hộ chiếu được. Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh cho phù hợp nếu trong trường hợp chúng ta muốn sử dụng thẻ căn cước công dân thay hộ chiếu. Trong thời gian qua, chưa có trường hợp hay nước nào quy định, chấp nhận việc dùng thẻ căn cước thay cho hộ chiếu.

Ghi quê quán trên thẻ căn cước công dân thế nào?

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn tỉnh Bắc Kạn), trong dự thảo Luật đã điều chỉnh một số thông tin trên thẻ căn cước, trong đó bỏ mục quê hương, quê quán. Đại biểu cho rằng, việc điều chỉnh là phù hợp nhưng đề nghị nghiên cứu thêm việc bỏ mục quê quán trên thẻ căn cước, mục quê quán cũng là một cách để nhận diện lai lịch của công dân, do đó không nên bỏ mục quê quán trên thẻ căn cước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) đặt vấn đề, liệu ghi quê quán theo quê bố, trong khi bố đã xa quê gốc, thậm chí ra nước ngoài ở thì sẽ như thế nào?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) đặt vấn đề, liệu ghi quê quán theo quê bố, trong khi bố đã xa quê gốc, thậm chí ra nước ngoài ở thì sẽ như thế nào?

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) đặt vấn đề, liệu ghi quê quán theo quê bố, trong khi bố đã xa quê gốc, thậm chí ra nước ngoài ở thì sẽ như thế nào? Đại biểu đề nghị hướng dẫn cách khai quê quán cho hợp lý, đúng và thống nhất.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, nhiều người sẽ lúng túng lúc khai báo ở mục quê quán khi làm thủ tục hành chính. Bởi vậy, ông đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu hướng dẫn cách khai quê quán cho hợp lý, đúng, khoa học và thống nhất. Đồng thời, trong hồ sơ cơ sở dữ liệu quốc gia cần ghi đủ các mục như nơi sinh, trú quán, quê quán, nguyên quán. Vì 4 mục này có thể giống nhau nhưng không phải một. “Lúc tôi còn nhỏ, các mục này đều có nhưng dần dần lại bị rút gọn. Việc rút gọn này rất không nên” - đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu thực tế ảnh in trên thẻ căn cước công dân không được đẹp. Do vậy, về ảnh của công dân trên thẻ, công an nên chụp đảm bảo “đúng và đẹp”.

Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an tiếp thu ý kiến của các đại biểu
Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an tiếp thu ý kiến của các đại biểu

Phát biểu tại hội trường, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an tiếp thu ý kiến của các đại biểu để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự án luật. “Về tên gọi của dự án luật, đa số đại biểu nhất trí tên gọi Luật Căn cước nhằm đảm bảo tính bao quát, phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật” - Bộ trưởng Tô Lâm nói và cho biết, một số đại biểu đề nghị giữ nguyên tên gọi Luật Căn cước công dân như hiện nay.

Theo Bộ trưởng Công an, đa số đại biểu cho rằng, quy định trong dự thảo tương đồng với pháp luật của nhiều nước trên thế giới, nhất là các quốc gia phát triển và phù hợp với quy định của Hiến pháp, không xung đột với các luật khác.