Trong đó, thiết kế các tuyến phố hiện đại, đồng bộ, giàu bản sắc nhằm định hình bộ mặt đô thị văn minh là nhiệm vụ chủ lực. Tuy nhiên, vấn đề nan giải hiện nay là số lượng đồ án thiết kế đô thị các tuyến phố để làm công cụ triển khai việc chỉnh trang lại đang rất chậm và thiếu.
Khiếm khuyết do thiếu bàn tay thiết kế
Thời gian gần đây, trên tuyến đường nối tiếp đường phía Đông Khu hành chính quận Hoàng Mai (từ Khu đô thị Đồng Tàu đến phố Tam Trinh, phường Thịnh Liệt) có chiều dài 1,9km, mặt cắt ngang 30m với 4 làn đường thoáng đẹp đang trong giai đoạn hoàn thành đã xuất hiện nhiều ngôi nhà có hình thù mỏng, méo.
Bà Đặng Ánh Mai, người dân phường Thịnh Liệt chia sẻ, sau khi giải phóng mặt bằng dự án, một số nhà bị thu hồi đất còn lại diện tích quá nhỏ hoặc có hình thù méo mó.
Mặc dù chính quyền phường đã có quyết định thông báo về việc hợp thửa nhưng đến nay vẫn chưa thấy các cơ quan chức năng thực hiện nên một số gia đình không nằm trong diện tái định cư đi nơi ở mới đã tranh thủ xây dựng, cải tạo lại để sinh sống.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai cho hay, tuyến đường từ Khu đô thị Đồng Tàu - Tam Trinh vẫn chưa có quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị hai bên nên quận đang thực hiện theo văn bản hướng dẫn tạm thời của Sở QH - KT về quản lý xây dựng, kiến trúc các công trình hai bên tuyến đường giao thông mới mở.
Theo đó, quận đang triển khai các thủ tục để hợp thửa, hợp khối, thu hồi các ô đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng để làm các công trình công cộng. Đồng thời hướng dẫn các chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân cải tạo chỉnh trang công trình hai bên tuyến đường.
Có thể thấy, do thiếu tay của thiết kế đô thị nên kịch bản lặp lại của nhiều tuyến đường mới mở sau giải phóng mặt bằng tại Hà Nội trong những năm qua là tình trạng nhà cửa xây dựng thiếu tính trật tự, thiếu thống nhất về khoảng lùi, hình thái kiến trúc, xuất hiện nhà diện tích siêu mỏng, siêu méo, tạo nên cảnh manh mún, kém văn minh đô thị.
Theo KTS Phạm Hoàng Phương (Viện Kiến trúc quốc gia), một bộ phận quan trọng cấu thành các đường phố và không gian đô thị là công trình nhà phố. Nhưng có một thực tế, các công trình nhà phố tại Hà Nội còn rất lộn xộn gây nên hiện trạng phá vỡ kiến trúc cảnh quan đô thị.
Bên cạnh đó, nhiều năm qua, các quận của TP cũng rất loay hoay trong thực hiện công tác lập lại trật tự hè đường đô thị. Nhiều đợt ra quân chấn chỉnh nhưng chỉ một thời gian ngắn tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè tái diễn.
Tại Hội nghị giao ban Thành ủy Hà Nội với các quận, huyện, thị xã quý I/2023 vào cuối tháng 3 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chỉ rõ, nguyên nhân sâu xa là thiếu quy hoạch sử dụng lòng đường, vỉa hè với đô thị hiện có.
"Từ chỗ thiếu quy hoạch dẫn đến thiếu công khai, minh bạch, từ chỗ thiếu quy hoạch thì người dân cứ "tràn ra tràn vào" sau mỗi chiến dịch. Vì vậy cần xác định đúng nguyên nhân để tìm giải pháp khắc phục" - Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Quy hoạch phù hợp cho từng tuyến phố
Cho đến nay, các đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị hai bên tuyến đường của Hà Nội vẫn rất thiếu, số tuyến phố có thiết kế chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Chính nguyên nhân này đã làm xuất hiện tình trạng bục bệ, mái che, mái vảy, chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện, nhà siêu mỏng, siêu méo xây dựng nhà phố lộn xộn trên tuyến đường mới mở… tạo nên các khu phố nhếch nhác không theo quy hoạch.
Sở QH - KT Hà Nội cũng nhìn nhận, một số đồ án quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, thiết kế đô thị riêng nằm trong kế hoạch triển khai thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị, tuy nhiên tiến độ thực hiện còn chậm, chưa phù hợp với tiến độ thực hiện dự án tuyến đường, chưa đảm bảo tính khả thi.
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy đánh giá, tiến độ lập các đồ án thiết kế đô thị, chỉnh trang tuyến phố và thậm chí cả các quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc hiện đang thiếu và chậm, chưa đáp ứng kịp, dẫn đến công tác cấp phép xây dựng thiếu cơ sở để triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, yêu cầu cụ thể về lập quy hoạch, thiết kế đô thị ngay cả trong các nghị định, thông tư hướng dẫn vẫn còn thiếu và hướng dẫn đúng, nhất là khâu đánh giá mặt đứng các tuyến phố hiện trạng, làm cơ sở phát triển lành mạnh cho những kiến trúc mới cải tạo hoặc xây mới, dẫn đến công trình xây dựng đơn lẻ thiếu tính tổng thể và manh mún.
Ông Lưu Quang Huy cho rằng, trong khi chưa có cơ sở về kiến trúc - quy hoạch đầy đủ, chính quyền các địa phương thực hiện cấp phép xây dựng cho nhà dân chỉ theo quy định lĩnh vực mà không có căn cứ tổng thể kiến trúc chung của tuyến, đoạn tuyến... là thiếu.
Đặc biệt, không quản lý kiến trúc các công trình xây dựng tạm, góp phần dẫn đến việc thiếu tính tổng thể và lạm dụng vật liệu tạm như mái tôn, thiếu những quy định cụ thể để kiểm soát hạng mục kiến trúc và các trang thiết bị kỹ thuật lắp đặt trên công trình.
“Hiện trạng lộn xộn không hẳn chỉ do việc xây dựng cơi nới trái phép và quản lý trật tự xây dựng lỏng lẻo tạo ra, mà có thể còn do công tác cấp phép xây dựng thiếu định hướng hoặc việc xây dựng không có quy định, định hướng mang tính tổng thể" - ông Lưu Quang Huy nêu.
Bàn về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho hay, trong hệ thống quản lý quy hoạch - kiến trúc, có thiết kế đô thị, nhưng việc triển khai chậm hơn thực tiễn, gây ra hiện trạng phát triển manh mún, lộn xộn như hiện nay.
Để triển khai thực hiện Luật Kiến trúc, TP Hà Nội cần có những nghiên cứu để nhận rõ đặc thù của kiến trúc từng khu phố như khu phố cổ, phố cũ, khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm.
Từ đó đề xuất những nét đặc trưng về kiến trúc, có giải pháp trong thiết kế đô thị, tránh hiện tượng thiếu tính thống nhất trong quản lý các tuyến phố như hiện nay.
Trong khi đó, để có giải pháp tổng thể, toàn diện, có tính căn cơ, bài bản và lâu dài, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo lập quy hoạch, thiết kế đô thị nhằm quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố, tuyến đường.
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh việc quy hoạch phải phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn cụ thể như khu phố cổ, phố cũ và khu đô thị mới. Sau khi có quy hoạch, có sự đồng thuận của người dân thì tiến hành "số hóa" để tổ chức thực hiện, trước mắt có thể thí điểm làm trước một số khu vực ngay trong năm nay.