Quy rõ chịu trách nhiệm

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sau hơn 1 năm tiến hành đồng loạt nhiều biện pháp nhằm triệt tiêu SIM rác nhưng vẫn còn đó những tin nhắn rác, cuộc gọi rác quấy rối người dùng viễn thông. Đã đến lúc những người đứng đầu các DN viễn thông cần phải chịu trách nhiệm nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong vòng hơn 1 năm trở lại đây, Bộ TT&TT cùng các nhà mạng đã liên tục có nhiều biện pháp mạnh nhằm triệt tiêu vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác vốn đã hành hạ người dùng viễn thông. Có thể kể đến như: chuẩn hóa thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, áp dụng cuộc gọi định danh (voice brandname), không cho đại lý tự phát hành SIM, siết chặt thuê bao đứng tên hơn 10 SIM…

Tuy nhiên trên thực tế, vấn nạn này vẫn chỉ ở mức độ hạn chế phần nào chứ chưa được ngăn chặn hoàn toàn. Chính số liệu mới được các nhà mạng công bố cũng thể hiện rõ thực trạng này. Theo đó, mỗi tháng các DN viễn thông đã chặn khoảng 50 triệu tin nhắn rác và 50.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. Như vậy có thể thấy, Bộ TT&TT và các nhà mạng vẫn còn một chặng được dài để đi và cần nhiều nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn SIM rác cũng như triệt tiêu hoàn toàn vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác.

Nhận thức rõ “cuộc chiến” với SIM rác là trường kỳ, mới đây, Bộ TT&TT đã đưa ra một giải pháp mới và căn cơ nhằm đẩy nhanh quá trình này. Theo đó, người đứng đầu DN viễn thông, cụ thể là Chủ tịch và Tổng Giám đốc, phải chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai các biện pháp xử lý, thu hồi, ngăn chặn triệt để tình trạng SIM rác. Theo đó, trước ngày 22/3/2024, các SIM đang khóa 2 chiều, có thông tin thuê bao, có gói cước phải chuyển trạng thái về SIM không có thông tin thuê bao. Trước ngày 15/4/2024, các SIM đang khóa 1 chiều, có dấu hiệu kích hoạt sẵn phải chuyển trạng thái về SIM không có thông tin thuê bao; xử lý xong tập thuê bao một giấy tờ đứng tên nhiều SIM (trên 4 SIM/1 giấy tờ).

Cũng từ 15/4/2024, các DN viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định. Trường hợp phát hiện các vi phạm (như SIM tồn kênh có thông tin thuê bao…), Bộ TT&TT sẽ tiến hành thanh tra, xử lý vi phạm (với mức xử phạt cao nhất là đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới). Không chỉ vậy, Bộ sẽ có văn bản nhắc nhở DN và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc kỷ luật người đứng đầu của DN vi phạm.

Ngoài ra, trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm SIM chính chủ, xử lý triệt để tình trạng một thuê bao sở hữu nhiều SIM, quy định trách nhiệm đối với thuê bao đăng ký sở hữu lớn hơn 3 SIM. Trong đó quy định nghĩa vụ của DN phải xác thực, quản lý thông tin thuê bao, xử lý các SIM có thông tin không đầy đủ, không chính xác, nghĩa vụ của thuê bao viễn thông không được sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao đã đăng ký sử dụng.

Đồng thời, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Bộ Công an để có các biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có liên quan và đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo về các cuộc gọi lừa đảo trên hệ thống thông tin đại chúng. Hy vọng rằng, với những động thái quyết liệt này của Bộ TT&TT, vấn nạn SIM rác sẽ được xử lý triệt để.