Sách giáo khoa sẽ được Nhà nước quy định mức giá tối đa

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Theo luật Giá (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, sách giáo khoa sẽ được Nhà nước quy định mức giá tối đa, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng phát biểu tại phiên họp chiều 14/8 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng phát biểu tại phiên họp chiều 14/8 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 14/8, tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã xem xét cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông’’.

Năm giải pháp cân đối cơ cấu giáo viên

Tại phiên họp, liên quan đến vấn đề giá sách giáo khoa, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, theo quy định của pháp luật có liên quan, hiện tại sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá. Tuy nhiên, theo luật Giá (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, sách giáo khoa sẽ được Nhà nước quy định giá tối đa.

Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp, nhà xuất bản tự quy định giá, căn cứ vào đăng ký giá của các nhà xuất bản, tỷ lệ chiết khấu của các nhà xuất bản này có giảm dần theo thời gian. Đến năm 2022, 2023, tỷ lệ chiết khấu của 2 đơn vị này chỉ ở mức 21 đến 22,5% chi phí.

Giải trình thêm về vấn đề đảm bảo đội ngũ giáo viên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường thông tin, trong báo cáo của Đoàn giám sát có nêu vấn đề về thực trạng ở một số địa phương thiếu cân đối trong cơ cấu giáo viên giữa các môn học, cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế khác nhau.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường làm rõ về vấn đề nhân lực trong ngành giáo dục. Ảnh: Quochoi.vn
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường làm rõ về vấn đề nhân lực trong ngành giáo dục. Ảnh: Quochoi.vn

Thứ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ thực tế phân bổ chỉ tiêu giáo viên còn chưa đảm bảo do Bộ GD&ĐT quy định. Nguyên nhân của vấn đề này đã được nêu trong báo cáo, quy định hiện hành về định mức tuyển sinh học sinh, giáo viên lớp học đã có quy định chung trong cả nước, không phân biệt vùng miền, do vậy vẫn còn khó khăn cho việc các địa phương bố trí học sinh.

Nhiều địa phương bố trí học sinh thấp hơn so với quy định, nhất là ở vùng sâu vùng xa. Thực tế ở một số địa phương, không tuyển dụng được giáo viên theo số lượng biên chế được giao, do Bộ GD&ĐT xây dựng Luật Giáo dục quy định và Thông tư hướng dẫn quy định mức chuẩn của giáo viên cao hơn. Vì vậy, việc tuyển dụng giáo viên gặp nhiều khó khăn.

Để giải quyết và khắc phục tình trạng nêu trên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị, thời gian tới, các bộ, ngành cần thực hiện 5 giải pháp gồm: Thứ nhất, Bộ GD&ĐT khẩn trương hoàn thiện các nội dung, thể chế để xây dựng các định mức (không cào bằng, đặc biệt đối với các vùng sâu, vùng xa thì phải có quy định cụ thể).

Đối với các địa phương, đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp. Rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại mô hình lớp học một cách hợp lý, thu gọn các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương.

Thứ hai, chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập, ở những nơi có thể xã hội hóa được.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Thứ ba, chỉ đạo và phê duyệt Đề án tự chủ của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý, trong đó xác định rõ lộ trình tự chủ tài chính trên cơ sở nguồn thu sự nghiệp được cấp theo phương thức ngắn hạn.

Thứ tư, chủ động, linh hoạt trong việc bố trí, sử dụng chỉ tiêu biên chế tự chủ, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên khi thay đổi quy mô học sinh.

Thứ năm, thực hiện một số giải pháp để tạo nguồn bổ sung giáo viên như: thực hiện tốt công tác quy hoạch, điều chuyển, điều động và nghiên cứu để trình cấp thẩm quyền phê duyệt các thay đổi…

Bộ GD&ĐT phải kiểm soát chất lượng bộ sách giáo khoa xã hội hoá

Tại phiên họp, làm rõ thêm về nguồn lực đảm bảo điều kiện tối thiểu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trong Báo cáo của Đoàn giám sát đề nghị Bộ KH&ĐT đối nguồn lực đảm bảo các điều kiện tối thiểu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo quy định về phân cấp quản lý ngân sách, ngân sách địa phương chịu trách nhiệm bố trí nguồn vốn để thực hiện phát triển cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn và ngân sách Trung ương hỗ trợ các chương trình có mục tiêu.

Tuy nhiên, quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Quốc hội, việc xã hội hóa chương trình phổ thông cũng cần phải cân nhắc. Do đó, thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Quốc hội trong việc bố trí nguồn lực để thực hiện Chương trình này.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá, kết quả của giám sát được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, chi tiết từ văn bản hướng dẫn đến kiểm tra tại các đại phương, có những đánh giá đầy đủ, khách quan về việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đồng thời, Phó Thủ tướng bày tỏ đồng tình với báo cáo đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế và các đề xuất, kiến nghị của Đoàn giám sát.

Liên quan đến xây dựng bộ sách giáo khoa, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, tại các cấp học, môn học đã có một số bộ sách giáo khoa được xã hội hóa. Vấn đề này cần có đánh giá cụ thể kết quả thực hiện khi Nghị quyết giám sát được ban hành, từ đó có báo cáo đầy đủ, chính xác hơn.

Khẳng định Nhà nước phải luôn đóng vai trò chủ đạo, có trách nhiệm từ khâu xây dựng chương trình, thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa theo đúng tinh thần của Nghị quyết 88, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu: Mặc dù lựa chọn phương án xã hội hóa để thu hút các chuyên gia, nhà giáo dục, các thầy cô giáo tham gia xây dựng các bộ sách giáo khoa nhưng  Bộ GD&ĐT phải có trách nhiệm kiểm soát chất lượng bộ sách giáo khoa này.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, trong thời gian tới Chính phủ sẽ nghiêm túc đánh giá toàn diện hơn, đánh giá đầy đủ hơn về việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban TVQH ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực của Đoàn giám sát đã hoàn thành các nhiệm vụ giám sát theo đúng kế hoạch, yêu cầu của Ủy ban TVQH. Báo cáo kết quả giám sát đã đánh giá thẳng thắn, toàn diện, sâu sắc các nội dung đề ra trong kế hoạch giám sát và nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của đại diện các cơ quan tham dự phiên họp.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết nhất trí với các nội dung cơ bản trong dự thảo Nghị quyết kết quả giám sát chuyên đề. Đồng thời giao Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội và Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để hoàn thành dự thảo Nghị quyết.