Khó khăn bủa vây
Khi nhiều DN vừa gắng gượng vượt qua những thời điểm đen tối của đại dịch Covid-19 và bắt đầu quá trình phục hồi thì những cú sốc mới của kinh tế – địa chính trị toàn cầu lại ập đến như chiến tranh, khủng hoảng năng lượng, bất ổn tài chính – ngân hàng, lạm phát tăng cao và sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng toàn cầu. Khó khăn bủa vây, khiến DN khó càng khó.
Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam ngay trong quý I, số DN tạm thời và vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường lại cao hơn số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường. Điều này đã phần nào cho thấy được những khó khăn mà cộng đồng DN Việt đã và đang phải đối diện.
Trên thực tế, khó khăn chung mà các DN đang phải đối mặt là thiếu vốn, đơn hàng sụt giảm, thị trường xuất khẩu thu hẹp, giá cả nguyên vật liệu tăng… Ở thị trường nội địa cũng không mấy sáng sủa khi nhiều người lao động bị mất việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập… dẫn đến nhà bán lẻ kinh doanh ế ẩm.
Tình hình kém lạc quan này cũng được phản ánh qua đánh giá niềm tin kinh doanh của các DN tham gia khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố. Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, triển vọng tăng trưởng ảm đạm của các nền kinh tế lớn đi cùng nỗi lo lạm phát trên thế giới đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Kết quả khảo sát PCI 2022 cho thấy, chỉ 35% DN tư nhân và 33% DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có dự định mở rộng sản xuất, kinh doanh trong vòng 2 năm tới.
Trước tình trạng số DN khó khăn phải rời thị trường cao gần gấp đôi số DN thành lập trong quý I/2023, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế đã thể hiện sự lo ngại rất lớn. Bởi lẽ DN là khu vực chính tạo ra của cải vật chất, việc làm và nguồn thu ngân sách. Khi họ khó khăn, phải đi đến ngưng hoạt động thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và ổn định xã hội.
Không để doanh nghiệp đơn độc
Để giúp các DN phát triển, Đảng, Nhà nước đã và đang có nhiều giải pháp hỗ trợ cộng đồng DN tháo gỡ khó khăn. Thực tế, các chính sách hỗ trợ sát sườn cho DN thời gian qua như: miễn, giảm, gia hạn thuế; cơ cấu lại nợ; miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay… đã phần nào giúp DN vơi bớt khó khăn.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh đánh giá: "Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ thời gian qua rất hiệu quả và kịp thời cho DN. Cụ thể, Chính phủ thực hiện song song việc hoàn thiện pháp luật về thuế, kéo dài thời gian hỗ trợ cùng với các biện pháp gia hạn thuế đã giúp DN có thêm một nguồn vốn tái phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, kể từ đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện giảm 3 lần lãi suất điều hành như lãi suất tiền gửi, lãi suất qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO), lãi suất cho vay, lãi suất tái chiết khấu... để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với đại dịch Covid-19".
Để tiếp sức cho DN, mới đây Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, trong đó nhấn mạnh tới việc khơi thông các điểm nghẽn với phương châm “sớm nhất, hiệu quả nhất”.
Chính phủ cũng đã đồng ý Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng với tất cả các hàng hóa trong nước. Nếu áp dụng cho 6 tháng cuối năm, người tiêu dùng và DN có thể giảm được tới 35.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định: đội ngũ doanh nhân là lực lượng nòng cốt, chủ lực trong xây dựng, phát triển kinh tế đất nước.
Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện cho sự phát triển, lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân, DN Việt Nam. Điều đó được thể hiện qua việc không ngừng hoàn thiện khung pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, an toàn để các DN thuận lợi gia nhập thị trường, khởi nghiệp, không ngừng phát triển.