Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ tăng mức phạt vi phạm trong hoạt động báo chí lên tới 500 triệu đồng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là một trong những điểm mới sẽ được sửa đổi, bổ sung vào Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Ngày 24/6, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định về XPVPHC trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT, giao dịch điện tử;l và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định XPVPHC trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.
 Hội nghị trực tuyến tại các điểm cầu trên toàn quốc.
Theo Bộ TT&TT, trong quá trình xây dựng, sửa đổi 2 Nghị định nêu trên, từng lĩnh vực cụ thể đã có nhiều sửa đổi, bổ sung.

Đối với lĩnh vực bưu chính: Đề xuất xử lý đối với các trường hợp áp dụng giá cước không đúng với giá cước các dịch vụ bưu chính như đã đăng ký hoặc kê khai hoặc thông báo với cơ quan nhà nước; Thể hiện thông tin khối lượng trên bưu gửi không đúng với khối lượng thực tế của bưu gửi; xử lý về cạnh tranh không lành mạnh, chiếm lĩnh thị trường trong lĩnh vực bưu chính; Bổ sung một số hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ bưu chính KT1…

Đối với lĩnh vực viễn thông: Kiến nghị, bổ sung 11 hành vi xử phạt về lắp đặt mạng cáp ngoại vi viễn thông; Sửa đổi tên điều 101 là “Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội”, như vậy cứ vi phạm trên môi trường mạng xã hội là xử phạt theo điều này (nhằm tránh nhầm lẫn giữa điều 99 và 101), mặt khác không dùng cụm từ “trang thông tin điện tử cá nhân được thiết lập thông qua mạng xã hội”, vì sẽ dẫn đến người vi phạm lấy lý do fanpage do tổ chức thiết lập, dẫn đến lại không thể xử phạt.

Đồng thời, bổ sung 2 hành vi về bán thiết bị phải chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy nhưng không thực hiện; Đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới thay vì tước quyền sử dụng giấy phép viễn thông trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết khi được cấp giấy phép; Cập nhật 26 hành vi xử phạt từ Nghị định số 91/2000/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.

Ở lĩnh vực PTTH&TTĐT: Bổ sung 2 hành vi xử phạt xâm hại trẻ em trên môi trường mạng trên cơ sở Quyết định số 830/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025; Và hệ thống quản lý thanh toán cho trò chơi điện tử không đặt tại Việt Nam.

Ở lĩnh vực báo chí: Sẽ xử lý các trường hợp khi đăng, phát thông tin tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo; Tăng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm về báo chí do Luật xử lý vi phạm hành chính đã tăng lên 500 triệu đối với lĩnh vực này.

Ở lĩnh vực xuất bản, in và phát hành: Bổ sung 44 hành vi xử phạt về vi phạm về hoạt động in sản phẩm không phải là xuất bản phẩm; Mở rộng thẩm quyền xử phạt vi phạm cho Chủ tịch UBND các cấp, lực lượng công an, bộ đội,...

Nói về quá trình sửa đổi, bổ sung 2 Nghị định nói trên, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, phải giữ vững nguyên tắc Luật xử lý vi phạm hành chính vừa được sửa đổi, bổ sung là “Luật mẹ” của tất cả các Nghị định xử lý vi phạm hành chính. Do đó, phải rà soát, đối chiếu với Luật xử lý vi phạm hành chính vừa được sửa đổi, bổ sung; xem xét cả về quy trình, thủ tục, các chế tài cụ thể để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ TT&TT có liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung 2 Nghị đinh trên nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu, các Hội, Hiệp hội và các Sở TT&TT. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng Nghị định cần rà soát, đối chiếu với các Luật khác có liên quan, tránh tình trạng một hành vi bị xử phạt ở nhiều Nghị định ở các ngành khác nhau; tránh sự chồng chéo…