Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ trọn vẹn hơn rất nhiều

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, không khí nhộn nhịp đón mùa Giáng sinh và năm mới 2024 đã lan tỏa khắp phố phường.


Nhiều hoạt động để đón chào năm mới đã được chuẩn bị. Và theo chỉ đạo của UBND TP tại Văn bản số 4192/UBND-ĐT về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024, nhiều tuyến đường trung tâm Thủ đô đang được chỉnh trang, sửa chữa để đón mừng năm mới.

Một số tuyến đường như Bà Triệu, Lê Duẩn… được cào bóc lớp bê tông nhựa cũ, thảm mặt đường mới. Ai cũng nghĩ điều đó hứa hẹn đem lại niềm vui cho người dân tham gia giao thông nhân dịp năm mới sắp tới. Tuy nhiên, đó xem ra một niềm vui chưa thật sự trọn vẹn bởi một vài lý do.

Thứ nhất, theo nhiều người dân, trong đó có các bác tài lái xe ôm, tắc xi, những người do đặc thù công việc, thường xuyên bám và thuộc mặt đường như lòng bàn tay, thì một số tuyến đường đang được sửa sang, vẫn còn khá êm thuận, chưa đến mức cần thảm lại do mới được thảm chưa lâu. Một bác tài sống ở vùng ven đô ao ước: giá như kinh phí ấy để sửa sang, nâng cấp những con đường từ lâu đã xuống cấp ở một số khu vực khác thì tốt bao nhiêu…

Việc thứ hai, thôi thì những con đường nơi trung tâm là bộ mặt của TP, việc giữ cho luôn êm thuận, sạch đẹp là cần thiết, nên được ưu tiên. Thêm nữa, việc chỉnh trang, nâng cấp cũng là phục vụ người dân đi lại dễ dàng, thuận tiện, thoải mái hơn.

Duy có điều, theo nhận xét của người tham gia giao thông, cách thi công các công trình này hiện nay cũng gây không ít phiền toái. Đơn vị thi công thường cào bóc lớp nhựa cũ, sau đó trải ngay lớp bê tông nhựa mới. Đúng quy trình thì như vậy, nhưng không biết vì sao, có những đoạn phố được cào bóc khá lâu, mà chưa thảm lớp nhựa mới, gây khó khăn cho người, xe qua lại.

Trong khi những ngày qua, trời Hà Nội hanh khô, những đoạn đường dở dang đó là tác nhân làm không khí TP thêm ô nhiễm. Lại vẫn những bác tài nhận xét: giá như họ thi công cuốn chiếu, làm tới đâu xong dứt điểm tới đấy, mỗi đêm vừa bóc, vừa thảm, làm đoạn nào xong đoạn đấy thì người dân đỡ khổ.

Đó là chưa kể những miệng hố ga luôn như những cái bẫy xe máy, rất dễ gây tai nạn. Những cái bẫy đó nhiều khi tồn tại rất lâu sau khi đoạn đường được phủ lớp nhựa mới, thậm chí đến lần trải nhựa tiếp theo.

Không phải ngẫu nhiên mà trong Văn bản số 4192/UBND-ĐT về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024, trong khi yêu cầu Sở GTVT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc và các đơn vị kinh doanh vận tải có phương án bảo đảm năng lực vận tải, chất lượng và an toàn đối với hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa, nhất là dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường bộ, đường thủy trong dịp nghỉ Tết, đã nhấn mạnh yêu cầu các đơn vị thi công phải khẩn trương hoàn thành nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các tuyến giao thông trọng điểm trong đô thị, trả lại lòng đường phục vụ Nhân dân đi lại (hoàn thành 1 tuần trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán).

Mong muốn của người dân về việc đơn vị thi công làm đâu gọn đấy không phải là quá khó để thực hiện. Đã có lúc cả một đoạn phố chiều hôm trước còn là mặt đường cũ bị long tróc, xuống cấp, chỉ qua một đêm, sáng sớm hôm sau người, xe đã có thể lưu thông trên mặt đường êm thuận, phẳng lỳ.

Vẫn biết trong thi công các công trình giao thông, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, có những khó khăn nhất định với những nguyên tắc, quy trình phải bảo đảm.

Song chứng kiến việc thực hiện thi công tu sửa những con đường ở trung tâm TP, nhiều người dân, trong đó có các bác tài luôn bám mặt đường bày tỏ mong muốn: giá như đơn vị thi công cố gắng thêm một chút với tinh thần làm đâu gọn đấy thì mọi việc sẽ trọn vẹn hơn rất nhiều…