Dịch bệnh Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp khi tâm dịch chuyển từ châu Á sang châu Âu với số trường hợp mắc virus SARS-CoV-2 tăng nhanh trong những ngày gần đây.
Italia – quốc gia được coi là tâm dịch của châu Âu, vừa ghi nhận thêm 250 ca tử vong vì dịch Covid-19 trong ngày 13/3 và 2.547 trường hợp nhiễm mới virus SARS-CoV-2.
Italia – quốc gia được coi là tâm dịch của châu Âu, vừa ghi nhận thêm 250 ca tử vong vì dịch Covid-19 trong ngày 13/3. |
Lệnh phong tỏa toàn quốc được chính phủ Italia thực hiện được 4 ngày, nhưng tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại nước này vẫn chưa có bất kỳ tiến triển nào khi số ca tử vong và số người nhiễm mới liên tục tăng thêm hàng ngày. Bộ Y tế Italia cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này là 17.660, tăng 2.547 so với hôm trước, 1.439 người đã hồi phục. Số người chết vì dịch Covid-19 tại Italia tính đến ngày 13/3 là 1.266, tăng 250 trong 24 giờ qua và chiếm tỷ lệ hơn 7%. Cố vấn y tế của Chính phủ Italia, ông Walter Ricciardi cho rằng phải ít nhất 2 tuần dịch bệnh mới có xu hướng giảm.
Trong khi đó, Tây Ban Nha hiện là quốc gia thứ 2 chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 ở châu Âu với hơn 2.086 ca nhiễm mới và 47 trường hợp tử vong. Tính đến tối ngày 13/3, số người nhiễm bệnh Covid-19 được ghi nhận ở Tây Ban Nga lên 4.209, trong đó 120 trường hợp tử vong.
Thủ tướng Tây Ban Nha Sanchez hôm 13/3 cho biết chính phủ sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp về Covid-19, dự báo tuần tới có thể phát hiện tới hơn 10.000 ca nhiễm. Thủ tướng Sanchez cho biết chính phủ Tây Ban Nha sẽ áp dụng một loạt các biện pháp mạnh mẽ để huy động mọi nguồn lực nhằm bảo về sức khoẻ của người dân. Ông nói thêm Tây Ban Nha mới chỉ trong "giai đoạn đầu của cuộc chiến chống dịch".
Một phần của Catalonia đã bị phong tỏa nhưng mối lo ngại chính nằm ở Madrid, nơi tất cả các cửa hàng, ngoại trừ cửa hàng thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết, đều đã đóng cửa.
Tại Pháp, tối 12/3, phát biểu trong chương trình thời sự 20h trên sóng truyền hình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định dịch Covid-19 đang lan rộng trên toàn châu Âu, nước Pháp vẫn trong giai đoạn 2 của dịch, nhưng đã sẵn sàng các biện pháp đối phó khi dịch chuyển sang giai đoạn 3. Tổng thống Macron nhấn mạnh virus corona là dịch bệnh nghiêm trọng nhất mà Pháp đối mặt trong một thế kỷ gần đây. Pháp ghi nhận 2.876 ca nhiễm trong đó có 61 trường hợp tử vong.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tất cả các trường học tại Pháp sẽ đóng cửa cho đến khi có thông báo mới, người dân được khuyến cáo hạn chế đi lại. Tổng thống Pháp cho rằng, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, virus SARSCoV-2 có khả năng tấn công nhiều hơn đến những đối tượng trẻ tuổi. Vì vậy, chính phủ Pháp quyết định đóng cửa toàn bộ các trường học trên toàn nước Pháp, kể từ ngày 16/3 tới và kêu gọi người dân hạn chế đi lại.
Tại Đức, đã có hơn 2.500 người nhiễm bệnh Covid-19, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Chỉ trong vòng 24 giờ qua cũng đã có 930 ca nhiễm mới với 2 trường hợp tử vong. Trước đó, hôm 11/3 Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo 70% dân số Đức có nguy cơ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 nếu tình hình vẫn không thay đổi. Tổng số ca nhiễm bệnh ở Đức hiện cao thứ 3 châu Âu với 3.675 ca.
Trước lo ngại sự lan rộng của dịch Covid-19, Thủ tướng Anh Boris Johnson quyết định hủy toàn bộ các sự kiện thể thao, các buổi hòa nhạc và các cuộc tụ tập đông người khác từ tuần tới. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Anh tăng vọt từ 590 đến 798 tính đến ngày 13/3. Các bộ trưởng sẽ thảo luận về việc đóng cửa các trường học thêm một tuần nữa trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh tại một cuộc họp vào ngày thứ Hai tới.
Cơ quan y tế quốc gia Anh kêu gọi những người có triệu chứng bệnh nhẹ hạn chế đọi điện cho các dịch vụ y tế để giảm bớt áp lực cho các y, bác sĩ, đồng thời tự cách ly tại nhà trong 7 ngày.
Trong khi đó, Hungary là nước mới nhất thông đóng cửa các trường học, bắt đầu từ thứ Hai tuần tới để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Thủ tướng Viktor Orban cho biết trong một video được đăng trên trang Facebook của chính phủ, các lớp học online sẽ được tổ chức cho sinh viên.
Ít nhất 4 quốc gia: Ba Lan, Đan Mạch, Slovakia và Cộng hòa Séc thông báo họ sẽ đóng cửa biên giới hoàn toàn.
Bên cạnh đó, hàng loạt quốc gia châu Âu khác cũng chứng kiến số ca mắc Covid-19 mới không ngừng gia tăng và thậm chí nằm trong "tốp đầu" những nước có số ca nhiễm cao nhất ngoài Trung Quốc./.