Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách T.Ư giai đoạn 2021-2025…

Sớm đưa nguồn vốn vào triển khai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 16/1, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội thảo luận về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025…”. 

Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng 63.725 tỷ đồng nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022. Trong đó bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 là 33.156,9 tỷ đồng từ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đối với các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Đối với số vốn còn lại hơn 30.568 tỷ đồng dự kiến bố trí cho danh mục dự án chưa đáp ứng thủ tục đầu tư theo quy định, Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho từng dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Chính phủ cũng trình Quốc hội phân bổ 2.526,1 tỷ đồng trong tổng số vốn hơn 37.303 tỷ đồng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để thực hiện Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Trong đó, có nhiều ý kiến rất tâm huyết và trách nhiệm. 

Bổ sung vốn cho dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia ở Côn Đảo

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn tỉnh Sóc Trăng) bày tỏ đồng tình cao với dự thảo Nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Đại biểu Tô Ái Vang nhận thấy, hiện nay, trước thực trạng nguồn cấp điện cho Côn Đảo chỉ đáp ứng đủ nhu cầu điện sinh hoạt, trong khi dân số cơ học của hòn đảo này đang tăng nhanh, còn điện cho sản xuất công nghiệp, dịch du lịch gần như không đáp ứng trong khi các nhà đầu tư đang mong chờ có điện để triển khai kế hoạch đầu tư. Quốc hội khóa XIV đã thảo luận và thống nhất thông qua, Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để trưng cầu ý kiến của các chuyên gia rất kỹ lưỡng, cơ bản đủ căn cứ để đầu tư điện gió, điện mặt trời. 

Theo đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn tỉnh Sóc Trăng), việc cấp lưới điện quốc gia cho Côn Đảo sẽ đáp ứng mục tiêu cấp điện ổn định, an toàn và lâu dài, giảm thiểu tác động môi trường sinh thái
Theo đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn tỉnh Sóc Trăng), việc cấp lưới điện quốc gia cho Côn Đảo sẽ đáp ứng mục tiêu cấp điện ổn định, an toàn và lâu dài, giảm thiểu tác động môi trường sinh thái

Vì vậy, việc cấp lưới điện quốc gia cho Côn Đảo sẽ đáp ứng mục tiêu cấp điện ổn định, an toàn và lâu dài, giảm thiểu tác động môi trường sinh thái, đặc biệt là bảo tồn rừng quốc gia, các di tích lịch sử và đảm bảo quốc phòng an ninh. Đại biểu Tô Ái Vang nhấn mạnh, đây là dự án đặc thù vừa sử dụng vốn ngân sách Trung ương, vừa sử dụng vốn của EVN.

Theo đại biểu, dự án đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và phối hợp triển khai dự án của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, Chính phủ đã giao địa phương thực hiện đầy đủ các thủ tục giải phóng mặt bằng dự án, đáp ứng tiến độ, hiệu quả, tránh việc lãng phí tài nguyên, yêu cầu chủ đầu tư đánh giá tác động môi trường, giám sát triển khai dự án đúng tiến độ và quy định. 

Cho phép Chính phủ sử dụng hơn 30.000 tỷ đồng đối với các dự án đã báo cáo Quốc hội

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Trường Giang đánh giá cao việc Chính phủ đã khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và Tờ trình báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp bất thường để đưa nguồn vốn vào phát triển kinh tế - xã hội. 

Quan tâm tới dự thảo Nghị quyết, đại biểu cho biết, đối với khoản vốn hơn 63.000 tỷ đồng tăng thu của năm 2022, Quốc hội đã quyết định đưa khoản này vào nguồn dự phòng chung trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nên việc trình Quốc hội quyết định nội dung này là đúng thẩm quyền..

Đại biểu Nguyễn Trường Giang đánh giá cao việc Chính phủ đã khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và Tờ trình báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp bất thường để đưa nguồn vốn vào phát triển kinh tế - xã hội
Đại biểu Nguyễn Trường Giang đánh giá cao việc Chính phủ đã khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và Tờ trình báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp bất thường để đưa nguồn vốn vào phát triển kinh tế - xã hội

Đại biểu Nguyễn Trường Giang chỉ rõ, trong 63.000 tỷ đồng đã phân bổ 33.000 tỷ đồng đối với các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, có danh mục kèm theo dự thảo Nghị quyết. Đối với số vốn còn lại, do Chính phủ chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên theo quy định của Luật Đầu tư công thì phải tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư nhưng phải xác định được nguồn vốn.

Do đó, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, Nghị quyết nên quy định theo hướng cho phép Chính phủ sử dụng nguồn vốn hơn 30.000 tỷ đồng để chuẩn bị hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Khi hoàn thiện thủ tục đầu tư phải báo cáo Quốc hội quyết định. Trong trường hợp cấp bách thì báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Tiếp thu các ý kiến, sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Tài chính Ngân sách sẽ phối hợp với cơ quan trình tiếp thu đầy đủ ý kiến các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.

Trong đó, đối với ý kiến của đại biểu Nguyễn Trường Giang, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu rõ đây là những ý kiến xác đáng, việc thiết kế dự thảo Nghị quyết hiện nay chưa làm rõ nội dung này. Cơ quan thẩm tra sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì xây dựng Tờ trình để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại ngày cuối Kỳ họp. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Tài chính Ngân sách sẽ phối hợp với cơ quan trình tiếp thu đầy đủ ý kiến các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Tài chính Ngân sách sẽ phối hợp với cơ quan trình tiếp thu đầy đủ ý kiến các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội

Về việc sử dụng nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, theo Nghị quyết 93 của Quốc hội về phân bổ chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội, phân bổ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, do việc chuẩn bị các dự án trong chương trình đầu tư công trung hạn chưa kịp thời, nên đã quyết định để lại kinh phí, cho phép tiếp tục rà soát đề xuất các dự án. 

Dự án cấp điện cho Côn Đảo là một nội dung, dự án trước đây đã được giao nhiệm vụ để chuẩn bị đầu tư, nhưng do không chuẩn bị được kịp thời thủ tục đầu tư, nên đã phải thu lại nguồn này, đưa vào dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đến nay, quá trình chuẩn bị đã được thực hiện kỹ lưỡng, cơ bản đã có căn cứ xem xét bố trí đầu tư. Do vậy, Chính phủ đề xuất Quốc hội sử dụng nguồn dự phòng để bố trí vốn cho dự án này.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua.