Sớm gỡ khó cho ngành vật liệu xây dựng

Thành Luân - Hồng Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước những khó khăn của ngành vật liệu xây dựng (VLXD) do nhu cầu thấp, tiêu thụ kém và rất cần được "khơi thông" các rào cản, tạo điều kiện để DN phát huy hết công suất.

Để làm rõ thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam Tống Văn Nga.

Sớm gỡ khó cho ngành vật liệu xây dựng - Ảnh 1

Quý III tiếp tục khó khăn

Bắt đầu năm 2023 với rất nhiều khó khăn cho DN VLXD và tình trạng đó đã kéo dài hết quý II. Vậy bức tranh tiêu thụ VLXD quý III của các DN có tiếp tục gặp khó khăn, thưa ông?

- Trước hết, phải nói các DN rất khó khăn, đặc biệt là một số nhà máy sản xuất trong lĩnh vực xi măng phải dừng bớt lò nung do tiêu thụ kém. Thứ hai, như trước đây ngành xi măng còn dựa thêm vào xuất khẩu nhưng vừa rồi thị phần này gặp khó, bị nhiều yếu tố tác động từ tình hình thế giới cũng như trong nước. Trong đó, việc Chính phủ tăng thuế xuất khẩu mặt hàng clinker (xi măng dạng thô) từ 5% lên 10%, đã tác động thêm vào tình trạng cung vượt cầu làm ngành xi măng của nước ta khó khăn.

Ngành vật liệu này có một thời kỳ phát triển rất tốt; công nghệ, thiết bị tốt, năng xuất cao, nếu tạo điều kiện phát huy hết công suất thì sẽ phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Hầu như các nhà máy đều đạt và vượt công suất thiết kế, sản phẩm xi măng làm ra chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Các ngành khác như gốm sứ xây dựng cũng phát triển tốt, xuất khẩu nhiều; sứ vệ sinh, kính xây dựng... đều đạt được kết quả khả quan.

Tóm lại, ngành công nghiệp VLXD vừa thỏa mãn được nhu cầu trong nước đã và đang xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Năm nay, xuất khẩu thế giới chịu nhiều tác động cũng đi xuống, không chỉ trong quý III mà cả quý IV có thể nhúc nhích hơn chút nhưng không được nhiều và chúng tôi lo rằng sang năm 2024 vẫn còn bị ảnh hưởng, chưa có hy vọng trở lại như thời gian trước.

Sự thiếu hụt nhu cầu nặng nhất cho ngành VLXD là thị trường bất động sản hiện đang gặp khó. Mặc dù thị trường này đang có những dấu hiệu ấm trở lại nhưng theo dự báo có thể sẽ phải thêm thời gian nữa mới hồi phục. Vậy ngành VLXD cần phải chuẩn bị phương án nào để có được lợi nhuận, giảm nợ đọng?

- Đặc thù của ngành VLXD là sản xuất mà không tiêu thụ được tức là gây nợ, mà nợ đọng thì lãi suất ngân hàng sẽ đè lên các xí nghiệp, nhà máy lúc đấy sẽ rất khó khăn. Về bất động sản có thể nói là chúng ta có những cái định hướng chưa thật chuẩn xác, khi thị trường phát triển quá nhiều biệt thự, nhà liền kề ở phân khúc cao cấp. Bởi vậy, nhiều khu đô thị có thể có người mua nhưng rất ít nhu cầu đến ở. Nhà không bán được chủ đầu tư cũng không thể thanh toán được tiền vật liệu đã mua vào, nợ cũng như thế mà kéo dài.

Trong khi đó, phân khúc nhà bình thường cho người thu nhập thấp ở đô thị và đặc biệt là công nhân, cán bộ các khu công nghiệp rất thiếu. Nên nếu không điều chỉnh lại, có chiến lược phát triển hợp lý thì đời sống công nhân, người lao động còn gặp khó khăn. Bây giờ cái đầu tiên là "khơi thông" các rào cản, thủ tục xây dựng, tập trung vào đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, phải từ thủ tục cho đến đấu thầu, giám sát xây dựng rồi phân phối, tập trung vào những khu công nghiệp, TP lớn nơi có nhiều người có thu nhập thấp sống, địa bàn có nhiều công nhân lao động.

Dây chuyền sản xuất xi măng Vincent. Ảnh: Trần Dũng
Dây chuyền sản xuất xi măng Vincent. Ảnh: Trần Dũng

Chính phủ đã có nghị quyết nhưng các bộ phận phải khẩn trương lo sớm thủ tục, việc quan trọng nhất là nhà ở xã hội đã được miễn tiền sử dụng đất, thì tại sao còn bắt định giá đất rồi mới cho miễn. Việc mất hàng năm chỉ riêng về thủ tục này sẽ làm cản trở tiến độ xây dựng và nhà ở xã hội ở các tỉnh, TP. Tuy nhiên, các khu nhà ở xã hội cũng phải đầy đủ tiện nghi, dịch vụ để cho người đến ở. Vì những người lao động, làm ra của cải vật chất cần được quan tâm ở mức cao. Đồng thời, những người sử dụng lao động phải chung tay góp sức vào việc tạo ra các khu nhà ở này để bảo đảm đời sống cho người lao động.

“Nghèo cát” phục vụ dự án

Hiện nay, nhà thầu nhận các dự án đầu tư công, đặc biệt về giao thông khi đang vướng phải việc thiếu nguồn cung đất, cát đắp nền như cao tốc Bắc - Nam..., vẫn đang được các cấp, ngành quyết liệt tháo gỡ. Ông có nhận định gì về vấn đề này?

- Đây là một vấn đề mà chúng tôi suy nghĩ nhiều. Đầu tư công tập trung chủ yếu vào hạ tầng cơ sở như các đường cao tốc mà hiện nay hầu như các dự án vẫn sử dụng công nghệ truyền thống dùng đất, cát đắp lên làm nền đường sau đấy lu đầm rồi rải nhựa. Vì vậy, VLXD rất ít được tiêu thụ. Một điều quan trọng đối với đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là cát thiếu, đất thiếu, đất trũng... Vấn đề đang gặp phải đó là "nghèo cát" phục vụ các dự án trọng điểm, các nhà thầu phải mua vật tư, vật liệu ngoài luồng, không cẩn thận rất dễ ảnh hưởng tới tiến độ cũng như chất lượng công trình khó kiểm soát.

Thứ hai, trước đây cát do các dòng sông đặc biệt là sông Mê Kông đưa về nhưng bây giờ dưới nhiều yếu tố bất lợi khiến dòng cát chuyển về rất ít chỉ khoảng 2 - 4 triệu mét khối/năm do phần lớn bị giữ lại ở các đập thủy điện. Các chuyên gia tính rằng 10 năm nay lượng cát về ĐBSCL chỉ bằng 1/10 các năm trước đây, trữ lượng cát san lấp hiện tại còn 37 triệu mét khối – đáp ứng 70% nhu cầu cho 8 dự án cao tốc đang triển khai ở ĐBSCL, chưa kể các dự án đường bộ khác, mà nếu chúng ta vét cát lòng sông, chắc chắn việc lở bờ sông rồi ven biển sẽ xảy ra.

Nếu tiếp tục lấy cát, đất sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến diện tích trồng lúa ở ĐBSCL; đắp đê lên thì lũ càng nặng, đắp đất trên nền yếu thì dứt khoát là sụt lún liên tục, chắc chắn là hiệu quả thấp cho nên phải có phương án khác xây dựng cao tốc.

Hy vọng với tình hình thực tiễn này, ngành giao thông phải có suy nghĩ lại. Riêng đối với ngành VLXD, chúng tôi đã cảnh báo trước đây cát và đất đá xây dựng là thuộc loại VLXD thông thường và đã giao cho các địa phương quy hoạch quản lý, khai thác. Nhưng tình hình hiện nay 2 loại này đã thành vật liệu quý hiếm nên kiến nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ có quy hoạch rõ ràng để kiểm soát việc khai thác và sử dụng lâu dài.
Xin cảm ơn ông!

 

Trước việc thiếu đất, cát để phục vụ dự án trọng điểm, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo sát sao nhằm tháo gỡ. Nhưng để tiến độ dự án luôn được bảo đảm, các bộ, đặc biệt là Bộ TN&MT, cơ quan quản lý mỏ khoáng sản, địa phương phải cùng nhau hợp tác mới giải quyết được khi có vấn đề phát sinh. Còn nếu không có sự hợp tác chặt chẽ sẽ rất khó cho các chủ đầu tư và công ty xây dựng đảm nhận các công trình xây dựng đường cao tốc.
Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Tống Văn Nga