Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tại sao không dạy người dân kinh doanh thay vì chăn nuôi, trồng trọt?

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, đặt câu hỏi khi chia sẻ tại “Toạ đàm kinh tế 2023” do Viện Doanh Trí tổ chức ngày 27/11.

Theo đánh giá của TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VIAC, các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn trong phát triển. Sang năm 2023, tình hình được dự báo còn gặp nhiều thách thức hơn nữa.

“Cái gì có thể giúp chúng ta vươn lên được. Câu trả lời không gì khác là doanh trí. Các doanh nhân phải vận động, phải nỗ lực đi lên bằng tri thức của mình thay vì chỉ biết trông chờ vào Nhà nước…” – TS Vũ Tiến Lộc nói.

Doanh nghiệp phải tiếp cận nền kinh tế 4.0. Đó không chỉ dừng ở CNTT mà là sự thay đổi căn bản chu trình sản xuất. “Công nghệ số chỉ hỗ trợ, là công cụ. Việc cần làm là cần thay đổi căn bản mô hình kinh doanh” là khuyến nghị của Chủ tịch VIAC tại toạ đàm.

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ tại toạ đàm kinh tế 2023 do Viện Doanh Trí tổ chức ngày 27/11. Ảnh: Lâm Nguyễn.
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ tại toạ đàm kinh tế 2023 do Viện Doanh Trí tổ chức ngày 27/11. Ảnh: Lâm Nguyễn.

TS Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, mọi sự thay đổi phải bắt đầu bằng giáo dục. “Tôi đồng tình với khuyến nghị của GS.TS Hà Huy Bằng rằng cần đưa chương trình đào tạo kiến thức kinh doanh vào nhà trường. Tại sao chúng ta dạy người dân trồng cây, chăn nuôi mà không dạy kinh doanh như thế nào?” – TS Vũ Tiến Lộc đặt câu hỏi.

Chủ tịch VIAC cho rằng, doanh trí cần phải được đặt ở vị trí trung tâm, muốn phát triển xã hội nói chung cần phải có doanh trí. Doanh trí phải là yếu tố quan trọng nhất. Không chỉ doanh nhân, theo TS Vũ Tiến Lộc, các quan chức cũng cần biết về doanh trí, bởi thái độ của Nhà nước với doanh nghệp là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển của bộ, ngành, địa phương.

Chia sẻ tại toạ đàm, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, ở Việt Nam có tinh thần start-up mạnh. Dù vậy, số lượng doanh nhân, doanh nghiệp lớn còn rất thiếu.

Nâng cao doanh trí là cần thiết trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay.
Nâng cao doanh trí là cần thiết trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay.

“Nguồn lực, trí tuệ là nhân tố quyết định sự phát triển của doanh nghiệp; đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, cần quý trọng, sử dụng nguồn nhân lực một cách khôn ngoan nhất…” – TS Nguyễn Đình Cung chia sẻ.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn có thể đứng vững, phát triển nếu có tư duy đổi mới. Chính vì vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng là đòi hỏi cần thiết, cần được các bộ, ngành quan tâm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

“Muốn giàu thì buôn bán, nhưng muốn giàu bền vững thì phải có trí tuệ” là khía cạnh được TS Phạm Huy Thông – Phó Viện trưởng Viện Trí Việt đề cập đến khi chia sẻ tại toạ đàm. “Nhiều người đặt câu hỏi vì sao ta giỏi mà lại chưa giàu. Câu trả lời nằm ở doanh trí. Chỉ khi có doanh trí mới mong nâng cao được năng lực quản trị, đáp ứng yêu cầu phát triển…” – TS Phạm Huy Thông chia sẻ.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu chỉ có doanh trí, dân trí thôi là chưa đủ. Điều cần thiết nữa là “quan trí”. Quan trí phải sáng suốt thì mới thúc đẩy được sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Sự kết hợp của “dân trí – doanh trí – quan trí” sẽ tạo dựng nền tảng tốt để thúc đẩy sự phát triển xã hội và đất nước.