Tại sao vụ xả súng ở Las Vegas không được gọi là khủng bố?

Nguyễn Phương (Theo Business Insider)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ xả súng xảy ra tối 1/10 tại Las Vegas khiến ít nhất 59 người thiệt mạng và 527 người bị thương, được cho là vụ tấn công bằng súng gây thương vong cao nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại. Tuy nhiên, giới chức Mỹ khẳng định vụ việc này không được coi là một hành động khủng bố.

Vụ xả súng xảy ra tối 1/10 tại một lễ hội âm nhạc bên ngoài khách sạn sòng bạc Mandalay Bay, một trong những tụ điểm vui chơi hấp dẫn nhất nhì Las Vegas.
 Vụ xả súng xảy ra tối 1/10 ở Khách sạn Mandalay Bay tại Las Vegas, Mỹ. Ảnh: CNN 
Sở Cảnh sát Las Vegas cho biết nghi phạm Stephen Paddock (64 tuổi) đã chết. Stephen được cho là đã tự sát trước khi cảnh sát ập vào phòng nghỉ của ông tại tầng 32 của khách sạn Mandalay Bay.
Vài giờ sau khi xảy ra vụ tấn công khiến nước Mỹ bàng hoàng, lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tuyên bố nhận trách nhiệm trên trang web Amaq.
“Cuộc tấn công ở Las Vegas được tiến hành bởi một chiến binh IS. Người này đã chuyển sang đạo Hồi vài tháng trước đó”, IS tuyên bố.
Nhóm khủng bố không nêu cụ thể danh tính của kẻ tấn công. Tuy nhiên, giới chức địa phương tuyên bố chưa tìm thấy các bằng chứng cho thấy lời tuyên bố của IS là đúng sự thật.
Phát biểu tối 2/10, ông Joseph Lombardo, Cảnh sát trưởng Cục Cảnh sát Las Vegas khẳng định cơ quan điều tra hiện chưa tìm thấy mối liên hệ giữa nghi phạm Stephen Paddock với các dòng tôn giáo. 
Ông Lombardo cho biết: “Chúng tôi tin rằng Stephen Paddock hành động theo kiểu con sói đơn độc".
 Tính đến thời điểm hiện tại, vụ xả súng đã khiến tổng cộng 59 người thiệt mạng và 527 người khác bị thương. 
Theo cảnh sát trưởng Lombardo, mặc dù gây thương vong lớn nhưng vụ xả súng tại Las Vegas chưa được coi là một hành động khủng bố, bởi vụ việc không có những dấu hiệu tiêu chuẩn theo định nghĩa “khủng bố” trong luật liên bang.
Cụ thể, “khủng bố” được định nghĩa là hành động “sử dụng vũ lực và bạo lực trái phép đối với người hoặc tài sản, để đe dọa, ép buộc chính phủ, dân thường hoặc bất kì tổ chức nào thực hiện các mục tiêu xã hội hoặc chính trị”.
"Nếu chúng tôi chưa nắm rõ được thông tin về động cơ của kẻ tấn công, sẽ là quá sớm để coi đây là hành động khủng bố", ông Lombardo nói thêm.
Cùng ngày, đại diện của Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI, ông Aaron Rouse, cho biết cơ quan quan này chưa tìm thấy mối liên hệ giữa nghi phạm Stephen với các nhóm khủng bố quốc tế.
Bruce Hoffman, chuyên gia về khủng bố tại Đại học Georgetown, nói rằng cộng đồng thường có xu hướng “gọi tất cả các hành động bạo lực là khủng bố”.
“Trên thực tế, trong trường hợp hành động đó tạo ra nỗi sợ hãi sâu sắc và lo lắng cho người dân, thì việc xác nhận một vụ tấn công là hành động khủng bố sẽ phụ thuộc phần lớn vào động cơ của kẻ gây án”, Hoffman nói.
Chuyên gia Hoffman cho biết cơ quan chức năng sẽ đưa ra công bố chính thức về tính chất của vụ việc sau khi tìm thấy thêm nhiều thông tin về động cơ hành động của Stephen.
Eric Paddock, em trai của nghi phạm Stephen Paddock cũng khẳng định anh trai của mình “không liên quan đến giới chính trị và tôn giáo”.