Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong dạy thêm, học thêm

Quý Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo thông tư về quản lý dạy thêm, học thêm hướng đến cấm những hiện tượng tiêu cực; không cấm nhu cầu có thực, chính đáng của người dạy, người học. Đây là tinh thần của Bộ GD&ĐT khi xây dựng dự thảo thông tư này.

Trong xã hội hiện nay, những đối tượng có nhu cầu học thêm phổ biến là học sinh học yếu, kém, mất cơ bản phải phụ đạo để được bổ sung, củng cố kiến thức.

Ngược lại, có một bộ phận học sinh học tốt, muốn học nâng cao cũng tìm đến các thầy cô giỏi để học thêm. Cùng với đó, đông đảo học sinh cuối cấp cũng đăng ký học thêm để phục vụ mục đích ôn và thi chuyển cấp.

Học thêm, dạy thêm là nhu cầu cần thiết của các em học sinh và của các gia đình, nhưng việc tổ chức cần bảo đảm đúng quy định. Ảnh: Phạm Hùng
Học thêm, dạy thêm là nhu cầu cần thiết của các em học sinh và của các gia đình, nhưng việc tổ chức cần bảo đảm đúng quy định. Ảnh: Phạm Hùng

Về giáo viên, không phải ai dạy thêm cũng đặt mục đích tăng thu nhập lên hàng đầu. Không ít giáo viên dạy thêm là một cách rèn nghề, say nghề; sau đó mới nghĩ đến việc cải thiện thu nhập. Do vậy, kể cả khi có những chính sách đãi ngộ hợp lý, tăng lương hoặc lương giáo viên được xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp thì hoạt động dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra, đó là một nhu cầu xã hội tất yếu.

Dự thảo thông tư quản lý dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT hướng đến hai hình thức học thêm, gồm: học thêm trong nhà trường và học thêm ngoài nhà trường. Tại đó, việc quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường đã hướng tới quy định việc tổ chức dạy thêm, học thêm một cách công khai, minh bạch (có đề xuất, biên bản, báo cáo…) để khi có ý kiến thắc mắc, khi có thanh kiểm tra thì mọi thứ đều phải có giấy tờ xác minh.

Đối với dạy học thêm ngoài nhà trường, tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm trước hết phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tiếp đó, cơ sở dạy thêm phải công khai các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách giáo viên dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.

Giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết với hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ được giao, không vi phạm quy định về các nguyên tắc dạy thêm, học thêm.

Trường hợp trong lớp dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên có học sinh của lớp mà giáo viên đang trực tiếp dạy học trong nhà trường thì giáo viên phải báo cáo, lập danh sách các học sinh gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm. Những báo cáo này để Hiệu trưởng nhà trường có thông tin và lưu hồ sơ, trường hợp giáo viên vi phạm sẽ có minh chứng xử lý.

Vấn đề là minh bạch thông tin và dự thảo đã đưa ra nhiều quy định mới về việc phải công khai những thông tin gì, báo cáo ra sao khi tổ chức dạy thêm, học thêm. Hơn nữa, giám sát việc dạy thêm, học thêm không chỉ có ngành GD&ĐT hay chính quyền địa phương mà còn phải có giám sát toàn dân, của chính học sinh và phụ huynh trên cơ sở những quy định đã được ban hành.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong đó có hoạt động dạy thêm, học thêm là một trong những nhiệm vụ cụ thể được Bộ GD&ĐT đề ra trong năm học 2024 - 2025.

Với những quy định cụ thể tại dự thảo cùng nhiều ý kiến góp ý tâm huyết của các chuyên gia, cộng đồng giáo viên, phụ huynh học sinh, công tác quản lý dạy thêm, học thêm được kỳ vọng sẽ giải quyết những vấn đề tiêu cực còn tồn tại, để dạy thêm, học thêm là hoạt động chính đáng, hướng đến nền giáo dục thực chất, công bằng.

Được biết, dự thảo thông tư quy định về quản lý dạy thêm, học thêm được xin ý kiến góp ý đến 22/10/2024. Khi chính thức ban hành, Thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.