Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng thu ngân sách thời kinh tế số

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, ngành thuế đã đẩy mạnh kết nối chia sẻ dữ liệu để phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, từ khi triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài từ cuối năm 2022, đến nay, có 57 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai và nộp thuế.

Các “ông lớn” như Google, Apple, Facebook, Netflix, TikTok, Microsoft... chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới đã chủ động khai và nộp thuế.

Con số 3.944 tỷ đồng mà các nhà cung cấp nước ngoài đã đóng góp vào ngân sách 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy nỗ lực của ngành thuế trong việc siết chặt quản lý, chống thất thu thuế. Trước đó, trong năm 2022, số tiền thuế các nhà cung cấp nước ngoài nộp là 3.478 tỷ đồng.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các chính sách miễn, giãn, gia hạn thuế để hỗ trợ DN và người nộp thuế… ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, việc có phương pháp hiệu quả khai thác các nguồn thu mới là rất cần thiết. Theo đó, ngày 15/12/2022, Tổng cục Thuế đã chính thức vận hành Cổng thông tin điện tử để tiếp nhận thông tin về các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Đến nay, Cổng thông tin điện tử đã ghi nhận 333 sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc cung cấp thông tin, trong đó có nhiều sàn chiếm thị phần lớn như: Shopee, Lazada, Sendo, Voso, Tiki…

Trong công văn gửi cho các ngân hàng thương mại và tổ chức cung ứng trung gian thanh toán, Tổng cục Thuế cũng đã đề nghị các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện việc kê khai, khấu trừ, nộp thay tiền thuế.

Đồng thời theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số.

Mặt khác, Tổng cục Thuế cũng thông báo tên, địa chỉ trang web của nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai thuế mà người mua hàng hóa, dịch vụ có thực hiện giao dịch cho hội sở chính của ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Dù khai thác nguồn thu thuế từ thương mại điện tử đã phát huy hiệu quả, bù đắp một phần cho các khoản thu tuy nhiên, hiện công tác thu vẫn gặp nhiều khó khăn. Kết quả thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 cơ bản đảm bảo tiến độ dự toán nhưng qua theo dõi, thu ngân sách Nhà nước qua từng tháng có xu hướng giảm dần. Cụ thể, tháng 1 đạt 14,7% dự toán; tháng 2 đạt 7,7%; tháng 3 đạt 8,9%; tháng 4 đạt 9,9%; tháng 5 đạt 6,4% dự toán, tháng 6 đạt 5,8% dự toán. Đây là vấn đề cần quan tâm.

Vì vậy, bên cạnh khai thác tốt các nguồn thu mới, tháo gỡ khó khăn, nuôi dưỡng các nguồn thu cũ thì việc có giải pháp để chống thất thu ngân sách, nhất là trong bối cảnh có thêm nhiều hình thức kinh tế mới là rất cần thiết.

Bộ Tài chính cũng cho biết, sẽ tăng cường các biện pháp chống thất thu, chiếm đoạt tiền thuế, nâng cao hiệu quả quản lý, thu hồi nợ đọng thuế. Đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN, đảm bảo kịp thời, chính xác, đúng đối tượng và đúng quy định pháp luật.