Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tây Nguyên: “Đánh thức” không gian đô thị nông nghiệp

Sỹ Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Điểm chung của những đô thị lớn ở Tây Nguyên là đều nằm trong vùng canh tác nông nghiệp đặc trưng về đất đỏ bazan. Điều này đặt ra câu hỏi: phát triển vùng kinh tế Tây Nguyên có nên gắn với chiến lược xây dựng những không gian đô thị nông nghiệp?

Lật lại lịch sử hai thành phố lớn Tây Nguyên kể trên, người ta dễ dàng ghi nhận dấu ấn chuyên sâu về phát triển kinh tế nông nghiệp đặc thù trong quá trình phát triển đầu tư và xây dựng. Giai đoạn khai phá Tây Nguyên từ thời thuộc Pháp ghi nhận những giống cây trồng ngoại lai đưa vào chăm trồng đạt hiệu quả cao, mở ra không gian phát triển nông nghiệp mới ở vùng cao nguyên.

Cây cà phê được đánh dấu như một thay đổi lớn cho định hướng đầu tư khai thác đất đai ở Tây Nguyên, để đến nay, thành phố Buôn Ma Thuột tự hào xác nhận là thủ phủ cà phê. Những loại trái cây, rau củ và hoa ôn đới tồn tại ở không gian Đà Lạt cho phép thành phố sương mù này đi vào văn thơ nhạc họa với hình ảnh “ngàn hoa”. Từ những điểm tựa kinh tế này, hai đô thị lần lượt được “đánh thức”, một ở cửa ngõ Tây Nguyên và một đánh dấu chiều sâu “ý thức hệ” văn hóa Tây Nguyên.

Định vị những giá trị

Phó giám đốc sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk Vũ Đức Côn chia sẻ, suốt nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã cho ông có cái nhìn thấu suốt về kinh tế vùng cao nguyên, gắn với từng loại nông sản đặc hữu. Hoa Đà Lạt, cà phê Buôn Ma Thuột, sâm Ngọc Linh Kon Tum… là những cái tên đã được định danh rất cụ thể với từng địa phương nơi đây.

 

Dư luận năm 2023 đánh dấu thông tin hai đô thị lớn ở Tây Nguyên có thể được nâng vị thế trực thuộc Trung ương, là thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) và thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Điểm chung của cả hai thành phố này là đều nằm trong vùng canh tác nông nghiệp đặc trưng về đất đỏ bazan. Điều này đặt ra câu hỏi: phát triển vùng kinh tế Tây Nguyên có nên gắn với chiến lược xây dựng những không gian đô thị nông nghiệp?

Nghĩa là, quá trình phát triển các vùng đất cụ thể trong lịch sử khai phá Tây Nguyên luôn song hành với những chủng loại nông sản nhất định, những sản phẩm tạo thế mạnh ưu việt cho kinh tế các địa phương và hình thành những giá trị văn hóa, tập tục đặc thù.

Ở những bản làng đầu tiên của các dân tộc Tây Nguyên anh em, kinh tế tự cấp tự túc được định vị rõ nét, phần lớn gắn với các giống cây bản địa, thì ở những cấp độ đô thị mới về sau, dấu ấn khai thác kinh tế hiện đại lại chính là những giống cây trồng mới.

Từ cây cà phê ở giai đoạn đầu tiên, rồi những rừng thông có giá trị khai thác độc đáo, cho đến hiện tại, hiện diện thêm những giống cây mới như mắc ca, cà chua ngọt, sầu riêng Dona…, vai trò “dẫn dắt” giá trị vùng đất của các giống cây trồng luôn hiển hiện ở các đô thị Tây Nguyên.

Chuyên gia Hà Lan tham gia nông nghiệp công nghệ cao ở Đắk Lắk.
Chuyên gia Hà Lan tham gia nông nghiệp công nghệ cao ở Đắk Lắk.

Trải qua thời gian, các giống cây ngoại lai ban đầu đã thuần hóa thành cây địa phương, và bởi các giá trị khai thác kinh tế của chúng, các đô thị Tây Nguyên cũng được định vị giá trị. Đây là một mối quan hệ hữu cơ, không thể tách rời, ngày càng xác định vai trò kinh tế nông nghiệp trên vùng đất Tây Nguyên. Dù có phát triển kinh tế số, công nghiệp điện khí hóa đến đâu, những thành phố Tây Nguyên cũng cần được bảo toàn các giá trị cốt lõi từ nông sản và nông nghiệp.

Cần hướng đến xu thế hội nhập?

Tỉnh Đắk Lắk đang tổ chức kỷ niệm 120 năm thành lập với năm 2024 này, bằng nhiều chương trình hành động. Trong đó, dấu ấn đô thị nông nghiệp được đặc biệt lưu tâm với thủ phủ tỉnh này – thành phố Buôn Ma Thuột. Hai điểm nhấn chính của thành phố này là khẳng định danh vị “thủ phủ cà phê” và cửa ngõ xuất khẩu nông sản chất lượng cho toàn vùng Tây Nguyên, đều gắn chặt những nông sản độc đáo nơi đây, là hạt café, trái sầu riêng, bơ, ca cao…

Lãnh đạo địa phương nhìn nhận, lợi thế nông sản Tây Nguyên hướng đến các giá trị xuất khẩu sẽ là điểm nhấn ưu tiên cho các hoạch định đầu tư, thu hút đầu tư kinh tế địa phương.

Cụ thể như với sầu riêng, loại trái cây được Đắk Lắk xuất khẩu chính ngạch ra ngoài từ năm 2022, đã kết nối gần hơn cánh cửa hội nhập kinh tế địa phương ra thế giới, thực sự đang đòi hỏi tỉnh này phải thay đổi rất nhiều kế hoạch, chiến lược làm ăn kinh tế, hiện đại xã hội của mình.

Đô thị điển hình của tỉnh, thành phố Buôn Ma Thuột, vì thế càng cần phân định rõ hơn những giá trị kinh tế về nông nghiệp chuyên sâu, từ quy hoạch lại đất đai canh tác cho đến đầu tư đô thị hóa, phân vùng các đô thị cơ sở.

Đô Thị Ban Mê Thuột được định vị với lợi thế chuyên canh.
Đô Thị Ban Mê Thuột được định vị với lợi thế chuyên canh.

Tương đồng với cách làm của Đắk Lak, các địa phương khác như Gia Lai, Đắk Nông, đặc biệt là Lâm Đồng, đang hoạch định lại những chiến lược đầu tư kinh tế gắn chặt hơn với lợi thế nông nghiệp chuyên canh.

Đà Lạt hôm nay không chỉ giới hạn trong thế giới hoa, mà chuyển dịch mạnh về các loại giống rau củ mới, kết nối với các vùng đệm nông nghiệp như Bảo Lộc tạo nên những trang trại bơ, sầu riêng, mắc ca… sum suê.

Đắk Nông với vị trí kết nối vùng Đông Nam bộ thuận lợi, đang triển khai xúc tiến đầu tư vào chế biến nông sản chuyên sâu, hứa hẹn hình thành các khu cụm công nghiệp công nghệ cao để khai thác nông sản với sản lượng lớn và giá trị cao…

Tất cả đang định hình những đô thị nâng tầm hiện đại và quy hoạch chỉnh chu hơn, từ Buôn Ma Thuột với các khu đô thị vùng vành đai phía bắc, đến thành phố Đà Lạt mở rộng về phía tây, rồi thành phố Gia Nghĩa, thành phố Bảo Lộc lần lượt định hình các tâm điểm đô thị nông nghiệp mới, hiện đại và số hóa. Những không gian đô thị nông nghiệp đang thực sự hiện diện với Tây Nguyên, vì thế sẽ là xu thế tất yếu.