Sáng 17/7, Bộ Nội vụ tổ chức công bố quyết định thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ), Tổ biên tập xây dựng Đề án “Chiến lược Quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài” và Hội thảo khoa học “Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công”.
Phó Vụ trưởng Vụ Công chức Viên chức (Bộ Nội vụ) Lê Minh Hương đã công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về thành lập BCĐ xây dựng “Đề án Chiến lược Quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài” (Đề án).
Theo đó, BCĐ gồm 12 thành viên là đại diện các bộ, ban, ngành liên quan, do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân làm Trưởng Ban, có nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng Đề án; Bộ Nội vụ bảo đảm kinh phí để BCĐ hoạt động. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đã ký quyết định thành lập Tổ biên tập xây dựng Đề án gồm 20 thành viên là đại diện các bộ, ban, ngành, do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa làm Tổ trưởng; có trách nhiệm giúp BCĐ xây dựng Đề án.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết: Dự kiến trong tháng 10/2019, BCĐ sẽ trình Chính phủ tờ trình dự thảo "Đề án Chiến lược Quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài". Từ nay đến thời điểm đó, BCĐ và Tổ Biên tập tổ chức tiếp hội thảo vào tháng 8; thành lập đoàn khảo sát ở 3 địa phương vừa qua có nhiều chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài... |
Dự thảo bước đầu đưa ra quan niệm về nhân tài; một số kinh nghiệm thu hút trọng dụng nhân tài ở Việt Nam thời kỳ phong kiến và của một số nước châu Á gần với đặc điểm Việt Nam; một số bài học rút ra cho Việt Nam khi xây dựng chính sách nhân tài. Đồng thời, tập trung phân tích thực trạng chính sách pháp luật về nhân tài, đội ngũ cán bộ công chức viên chức (CBCCVC) và chính sách thu hút, trọng dụng CBCCVC ở một số bộ, ngành, địa phương; ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân…
Từ đó, dự thảo đưa ra nhóm giải pháp về thực hiện cơ chế chính sách nhân tài và về điều kiện đảm bảo thực hiện chính sách nhân tài. Để tổ chức thực hiện, các bộ: Nội vụ, Tài chính, Xây dựng, GD&ĐT có trách nhiệm lớn nhất, cùng các bộ, ngành, cơ quan liên quan, để xây dựng chính sách nhân tài phù hợp trong những lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.
Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh: Bất kỳ chế độ, nhà nước, thời điểm, cơ quan nào đều quan tâm việc trọng dụng, sử dụng nhân tài. Thời gian qua, các chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước ta về trọng dụng nhân tài được quy định rải rác trong rất nhiều văn bản QPPL; thậm chí mỗi địa phương có một chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài làm việc trong khu vực công. Có nơi thành công, nhưng có những nơi đưa ra chính sách không phù hợp với điều kiện địa phương, đặc biệt tạo môi trường hoạt động cho nhà khoa học, người có tài năng; chính sách lại đan xen nhau nên không phù hợp các quy định trong văn bản QPPL.
Chủ trương về vấn đề này có từ rất lâu, nhưng cụ thể hóa thế nào trong các luật như Luật CBCC, Luật Viên chức, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; việc phân cấp thẩm quyền ban hành chính sách, tuyển dụng, sử dụng người có tài trong cơ quan hành chính các cấp… còn có nhiều bức xúc.
Nhiều địa phương đã có chính sách “trải thảm đỏ” thu hút nhân tài làm việc tại cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể trong khu vực công, nhưng việc sử dụng, giữ chân, tạo điều kiện cho người tài hoạt động tốt hơn trong các cơ quan hành chính tại nước ta là một vấn đề rất khó, phức tạp.
“Khái niệm thế nào là nhân tài đang là vấn đề hết sức quan trọng, trong khi cách nhìn nhận của mỗi quốc gia hiện cũng khác nhau. Hội thảo nhằm lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, đại diện các cơ quan T.Ư để góp ý cho đề cương dự thảo Đề án. Thu hút, trọng dụng nhân tài tại khu vực công là một vấn đề rất quan trọng cần được triển khai đồng bộ sau khi các luật Tổ chức Chính phủ, Tổ chức chính quyền địa phương, CBCC, Viên chức được sửa đổi, bổ sung; đồng thời để thể thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quyết định 132/TTg về xây dựng Đề án này.
Sau hội thảo hôm nay, BCĐ xây dựng Đề án sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện đề cương sắp tới; tiếp tục có nhiều hội thảo, tọa đàm để lấy nhiều ý kiến, nhằm hoàn thiện dự thảo Đề án trình Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng nêu rõ.