Ở cái xứ chiêm trũng chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn, việc lo ăn ngày hai bữa đã khiến người ta mướt mồ hôi…, lễ hội là thứ xa vời, viển vông. Cả tuổi thơ của chúng tôi không có khái niệm hội làng, lễ chùa, rước xách…
Với lũ trẻ chúng tôi, tháng Giêng là thời gian kéo dài lê thê của những đói cùng rét. Ngày dài, cộng với cái rét tái mào làm cho người ta lúc nào cũng nghĩ đến ăn; sự đói câu thúc người ta lắm lắm. Khái niệm “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, chỉ tồn tại trong câu nói dân gian và với đám trẻ lúc bấy giờ, tháng Giêng không có gì đặc biệt ngoài sự đói, rét kéo dài…
Năm thứ nhất đại học của lớp thanh niên nhà quê chúng tôi bắt đầu vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước.
Khi đó, chúng tôi dành phần lớn thời gian trong ngày để di chuyển từ ký túc xá lên giảng đường và ngược lại. Kẻ nào trót đi xa, họa chăng cũng lên đến Ngã Tư Sở; anh nào cả gan mới dám lọ mọ ra đến Bờ Hồ, Bến Nứa… Và lúc đó cái đói, cái nghèo vẫn chửa chịu buông tha, một tháng 30 ngày thì có tới mười mấy ngày lo chạy bữa, tiền đâu mà chơi bời, mà hóng hớt…
Đến năm thứ 2 thì đã khác, lớp chúng tôi đã tổ chức đi lễ chùa Thầy, leo lên đỉnh Sài Sơn, mò vào hang Cắc Cớ. Từ lúc đó tầm hiểu biết lễ “tháng ăn chơi” của chúng tôi bắt đầu được mở rộng; hóa ra cách cái “đặc khu” Mễ Trì dăm mươi cây số, sau Tết Nguyên đán là cả một… bầu trời lễ hội. Nào là hội Gò Đống Đa, hội chùa Thầy, hội chùa Hương, xa hơn nữa là hội Lim Quan họ…
Ở vùng ngoại ô nơi tôi đang cư ngụ hiện nay, sự “ăn chơi ” còn kéo dài sang tận các tháng tháng kế tiếp. Sau Tết Nguyên đán, các thôn làng trong cả vùng bắt đầu mở hội. Tuy khác nhau về địa giới, tục lệ cũng phân minh, nhưng nhìn chung hội làng ở vùng ngoại ô đều gần giống nhau. Cũng cúng tế thành hoàng, rước kiệu, múa hát, xong đấy màn “đồng dân hội ẩm” tại tư gia. Nhà giàu, quan hệ rộng thì mời khách xa, kẻ hèn thì cũng biện vài mâm mời những chỗ thân tình đến chia vui mùa lễ hội…
Thói đời, đã ăn chơi là phải… mọi nhẽ, hội hè ngoài đánh chén, hát hò phải có thêm màn vui chơi có thưởng! Dù cờ bạc đã bị pháp luật cấm dưới mọi hình thức; nhưng vào dịp lễ hội, nếu làng trong, xóm ngoài mà thiếu vài chiếu tổ tôm, chắn cạ hình như cũng… mất vui.
Có điều không ít người chỉ vì ham cờ bạc mà sau vài giờ vui thú là cả năm è cổ ra làm thuê cuốc mướn, kéo cày trả nợ - mà dân gian vùng này gọi vui là “đeo đá, quẩy gạch”!!!
Đang ở thời đại 4.0, nên nhà quê cũng văn minh lắm, giờ đây 10 nhà thì 9 đã lắp đặt wifi, già trẻ gái trai - hầu như ai cũng xài điện thoại cảm ứng, tri thức nhân loại được cập nhật hàng ngày…
Có điều, cứ vào lễ hội - những thứ cựu cũ lại có dịp trỗi dậy, cái hay thì ít mà điều dở đôi lúc lấn át. Chỉ khổ những gia đình có chồng con không biết giữ mình, sa đà cờ bạc mà thua tha, để lâm vào cảnh “kiếm củi ba năm, thiêu một giờ”… Một hệ lụy nữa của “tháng ăn chơi” là việc làm. Phó cả của các tốp thợ xây, thợ đấu, chủ nhà hàng, quán ăn… nhiều lúc không gọi đủ “quân” vì hội hè tháng Giêng. Bởi với người nông thôn, một khi làng mở hội thì công việc có trọng bằng mấy đi chăng nữa cũng tạm thời gác lại!