Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tháng Hành động vì chất lượng an toàn thực phẩm: Phát hiện hàng nghìn cơ sở vi phạm

Nhật Nguyên thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua đợt kiểm tra trong Tháng Hành động vì chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) từ 15/4 - 15/5 cho thấy, công tác kiểm soát ATTP ở Hà Nội đã có nhiều chuyển biến, tuy nhiên vẫn còn hàng nghìn cơ sở bị phát hiện vi phạm. Xung quanh vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung đã trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.

 Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung
Ông có thể đánh giá sơ bộ về công tác kiểm soát ATTP trong Tháng Hành động vì chất lượng ATTP trên địa bàn TP?
- Trong nhiều năm qua, TP Hà Nội rất kiên trì trong công tác quản lý, bảo đảm ATTP. Dù vậy, với số lượng cơ sở rất lớn, Hà Nội luôn là địa bàn “nóng” với nhiều nguy cơ mất ATTP tiềm ẩn, trong khi nhân lực chuyên trách quản lý ATTP còn hạn chế. Trong Tháng hành động năm nay, có 3 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành TP, 3 đoàn của Sở Y tế, 4 đoàn của của Sở Công Thương, 4 đoàn của Sở NN&PTNT, tính cả khối quận, huyện, xã, phường, toàn TP có 700 đoàn thanh, kiểm tra. Kết quả, đã kiểm tra được 12.552 cơ sở, phát hiện 2.108 cơ sở vi phạm, trong đó 670 cơ sở bị xử lý hành chính với số tiền phạt hơn 2 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 4 cơ sở.

Vi phạm chủ yếu của các cơ sở là gì, thưa ông?

- Có thể nói, so với trước đây, nhận thức về vấn đề ATTP của người kinh doanh, sử dụng thực phẩm đã tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, ở nhiều cơ sở từ nhận thức đến hành động vẫn còn khoảng cách xa. Có cơ sở giấy tờ pháp lý đầy đủ, nhưng họ chưa tuân thủ các quy định về ATTP. Chẳng hạn, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, không đeo găng tay khi chế biến, dù trang bị tủ kính nhưng thực phẩm chín lại để ngoài…
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, không có giấy khám sức khỏe định kỳ, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, vi phạm về nhãn hàng hóa, không lưu mẫu theo quy định, sử dụng phụ gia thực phẩm hết hạn sử dụng… Đáng chú ý, qua kiểm tra, vẫn còn phát hiện một số mẫu thịt gà, thịt lợn chứa chất Salomnella, thủy sản có dư lượng Chloramphenicol.

So với Tháng hành động của năm trước, năm nay công tác thực hiện ATTP có nhiều chuyển biến hơn không?

- Năm nay, công tác thanh, kiểm tra được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, nghiêm túc từ TP tới quận, huyện, thị xã đến xã, phường, thị trấn. Công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức về quản lý chất lượng và ATTP được chú trọng cho đối tượng người sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo đúng quy định và người tiêu dùng nhận biết sản phẩm ATTP.
Tuy nhiên, số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, nhiều chợ tạm, chợ cóc nên còn khó khăn trong quản lý. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân và một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt. Việc xử lý vi phạm ở tuyến xã, phường, thị trấn đã được đẩy mạnh nhưng kết quả còn hạn chế, chủ yếu là nhắc nhở nên các vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn.
 Đoàn liên ngành số 1 TP kiểm tra ATTP tại siêu thị Fivimart (quận Thanh Xuân) sáng 15/5. Ảnh: Nhật Nguyên
Hà Nội đã triển khai Nghị định 15/2018/NĐ-CP về quản lý ATTP trên địa thế nào, và theo ông, nghị định này tạo thuận lợi, khó khăn gì trong công tác quản lý ATTP?

- Ngay sau khi Nghị định 15/2018/NĐ-CP được ban hành, Hà Nội đã triển khai đến tất cả các quận, huyện trên địa bàn. Nghị định này tạo thông thoáng rất lớn cho DN (DN được quyền tự công bố sản phẩm thực phẩm), nhưng ngành chức năng sẽ phải tăng cường công tác hậu kiểm và xử lý nghiêm vi phạm. Nếu phát hiện việc công bố khác với chất lượng sản phẩm trên thực tế, DN không những bị xử phạt nặng, mà còn bị thu hồi toàn bộ sản phẩm công bố sai; thậm chí, cơ quan quản lý nhà nước có quyền yêu cầu dừng việc sản xuất.
Hiện Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở NN&PTNT đang trình UBND TP Hà Nội sửa đổi quy định về phân cấp quản lý ATTP. Hướng điều chỉnh vẫn là quản lý theo địa bàn, Chủ tịch UBND các cấp phải chịu toàn bộ trách nhiệm về quản lý ATTP trên địa bàn mình.

Xin cảm ơn ông!
Theo thông tin từ Cục ATTP (Bộ Y tế), trong 4 tháng đầu năm, các đoàn của T.Ư và địa phương đã thanh, kiểm tra 158.952 cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm trên cả nước, trong đó 31.138 cơ sở vi phạm bị phạt tiền trên với tổng số tiền trên 19 tỷ đồng. Ngành chức năng đã đình chỉ hoạt động 72 cơ sở, đình chỉ lưu hành 228 loại thực phẩm, tiêu hủy 1.590 loại thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Riêng tại Cục ATTP, Cục trưởng đã ký ban hành 15 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 15 cơ sở vi phạm, tổng số tiền phạt gần 1 tỷ đồng. Cục ATTP chuyển 6 vụ việc sang cơ quan điều tra; chuyển 2 trường hợp vi phạm quảng cáo đến Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT); giám sát thu hồi và tiêu hủy 22 loại sản phẩm với gần 102 tấn sản phẩm của 4 cơ sở nhập khẩu sản phẩm sữa nghi nhiễm khuẩn theo cảnh báo của Mạng lưới Cơ quan ATTP Quốc tế.